Cả nhà đang ăn cơm, bất ngờ mẹ đứng bật dậy và ném bát cơm vụt qua đầu bố là điều luôn ám ảnh tuổi thơ tôi

Rồi một lần, cả nhà đang ăn cơm, trong lúc mẹ phàn nàn, tức giận đứng bật dậy cầm chiếc bát cơm ném vào bố. Cũng may bố né kịp nếu không thì đã hứng trọn bát cơm vào mặt.

Ngày đó nhà tôi có 4 anh chị em, bố tôi làm việc tự do, còn mẹ làm việc trong một xí nghiệp lớn. Nghe mẹ nói tính bố tôi không kiên trì, làm ở đâu cũng chỉ được hơn 10 ngày là chán và đòi nghỉ việc.

Hằng ngày nếu ai gọi bố làm việc gì thì bố làm, còn những ngày rảnh rỗi thì ở nhà cơm nước cho vợ con. Tiền mỗi tháng của bố chỉ đủ làm nuôi bản thân bố, còn mọi chi phí đổ lên đầu mẹ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chính vì chuyện áp lực tiền bạc nên mẹ suốt ngày càu nhàu chê bai bố. Mẹ rất hay so sánh bố với những người đàn ông trong xóm, nói bố chẳng làm được tích sự gì. Mẹ bảo đàn ông là trụ cột trong gia đình, thế mà bố tôi chỉ biết ngửa tay xin tiền mà không biết xấu hổ.

Rồi một lần, cả nhà đang ăn cơm, trong lúc mẹ phàn nàn, tức giận đứng bật dậy cầm chiếc bát cơm ném vào bố. Cũng may bố né kịp nếu không thì đã hứng trọn bát cơm vào mặt.

Cho đến bây giờ trưởng thành, nhớ lại hình ảnh bát cơm mẹ ném vào bố thì tôi thấy đau, dường như đó chính là hình ảnh ám ảnh tuổi thơ của tôi.

Ngày đó gia đình tôi luôn bất hòa không phải nguyên nhân từ bố lười biếng mà do tính tình mẹ tôi quá khó. Bà luôn bắt mọi người trong gia đình phải sống theo ý của bà, nếu không ai nghe theo thì bà sẽ càm ràm từ ngày này sang ngày khác, đến bao giờ mọi người chịu nghe thì thôi.

Nghĩ lại, tôi thấy bố thật giỏi khi chịu đựng được cái tính bảo thủ của mẹ. Trong mắt mẹ, bố chỉ như người đàn ông ăn bám, người giúp việc. Những khi có khách mà mẹ cứ mắng bố sang sảng, rồi nói xấu bố trước mặt mọi người. Dường như mẹ nghĩ là nói xấu bố thì mẹ sẽ đẹp lên trong mắt mọi người thì phải.

Còn với anh em tôi đó là sự xấu hổ, dù đã khuyên can mẹ nhiều lần nhưng bà nói là bà có tiền nên có quyền trong gia đình này. Bố tôi chẳng sắm sửa gì cho cái nhà này nên im mồm cho được việc.

Tôi thương bố lắm, mỗi khi về thăm bố, dù không có nhiều tiền nhưng tôi vẫn giấm dúi cho bố ít để ông chi tiêu cho bản thân. Những lúc mẹ mắng bố, tôi cũng cố đứng ra phân tích giảng giải để mẹ hiểu và tôn trọng bố. Nhưng tính hiếu thắng đã ăn sâu vào máu thịt của mẹ rồi, có nói cũng chẳng thay đổi được. Còn bố chỉ biết im lặng cúi đầu mà tôi thấy tim nhói đau.

Theo VA/Công lý & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/ca-nha-dang-an-com-bat-ngo-me-dung-bat-day-va-nem-bat-com-vut-qua-dau-bo-la-dieu-luon-am-anh-tuoi-tho-toi/20240123031956024