Ca nhiễm tăng nhưng vào viện không nhiều
Mặc dù số ca nhiễm tăng nhưng mức độ nặng, nguy kịch và tử vong ở tỉ lệ rất thấp
Theo Bộ Y tế, số ca Covid-19 mắc mới đang có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong tháng qua.
Chủ yếu điều trị tại nhà
Trong ngày 4-3, cả nước ghi nhận thêm 125.587 ca mắc Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố, tăng gần 6.800 ca so với ngày trước đó. Hà Nội có số ca mắc nhiều nhất với 21.395 ca, tiếp đến là Nghệ An và Bắc Ninh đều có thêm hơn 6.000 ca.
Số ca nhiễm mới có xu hướng tăng ở TP HCM và Bình Dương. Cả hai địa phương này đều ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm trong ngày. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 101.812 ca/ngày. Trong ngày có 38.911 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.246 ca. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 196,3 triệu liều vắc-xin Covid-19.
BS Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết hiện F0 tại địa phương này chủ yếu điều trị tại nhà với những ca nhẹ, không có triệu chứng. Số ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng tăng khiến ca bệnh nặng cũng nhiều hơn do thời gian điều trị dài ngày. Hiện địa phương này có hơn 250 ca nặng đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Ngành y tế Đà Nẵng đang đẩy nhanh việc điều trị bằng thuốc kháng virus tại cộng đồng.
Nhập viện do... bệnh nền
Tại TP HCM, TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Trưng Vương, cho biết ở BV này chỉ còn 30 bệnh nhân Covid-19 đang được theo dõi. Theo BS Chiến, có những bệnh nhân không nặng nhưng do bệnh nền nặng nên nhập viện để theo dõi và điều trị cả bệnh nền. Dù số ca nhiễm có vẻ tăng nhưng mức độ nguy kịch và tử vong ở tỉ lệ rất thấp.
BV Nhi Đồng 1 cũng cho biết số ca phát hiện qua sàng lọc tăng nhiều nhưng nhập viện không nhiều. Đến sáng 4-3, ở BV này chỉ còn 65 bệnh nhi Covid-19, hầu hết dưới 12 tuổi và không nặng nhưng có bệnh nền.
PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, kiêm Giám đốc BV Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, cho biết số bệnh nhân Covid-19 nhập viện có xu hướng tăng những ngày gần đây, chủ yếu là người lớn tuổi và người có bệnh nền; đa số bệnh nhân ở mức độ trung bình nhưng cũng đã có một số trường hợp nặng, phải thở máy.
BSCK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết hiện số bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị thở máy tại đây là 9 ca; còn tại BV Hồi sức Covid-19 số ca nặng đang thở máy là 4 ca.
Trong khi đó, hiện tượng lây lan Covid-19 ở trẻ em học sinh tại các trường học trong những ngày qua cũng đáng lo ngại. BS Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng Khoa Nhi BV Hoàn Mỹ Thủ Đức, khuyến cáo người lớn cần cẩn trọng, không chủ quan với việc trẻ con từng mắc Covid-19 có những di chứng hậu Covid-19 để lại (MIS-C: nguy cơ tăng đông máu cao, có thể dẫn đến tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi, mạch vành... hoặc tắc mạch máu trong cơ thể ở bất kỳ cơ quan nào), nếu mắc chồng thêm một loại dịch bệnh hiện phổ biến là sốt xuất huyết nữa là rất nguy hiểm. Mới đây bệnh viện cứu sống bé gái cùng lúc mắc 2 loại bệnh này.
TP HCM tăng cường kiểm soát
Cùng ngày, UBND TP HCM có văn bản khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo UBND TP HCM, dự báo thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học. Do đó, yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, trong khu công nghiệp, trường học theo các quy trình xử lý F0 của Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn. Đồng thời, phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin "thần tốc hơn nữa", bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng 12-17 tuổi.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển. UBND TP HCM cũng yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ". Sở Y tế được giao điều trị toàn diện, phân tầng điều trị. Giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Không xông cho trẻ
Tại hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 vừa được ban hành, Bộ Y tế cho biết phần lớn trẻ mắc Covid-19 diễn biến lành tính, sốt 2-3 ngày đầu kèm các triệu chứng ho, ngứa họng, sổ mũi...
Phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Lưu ý không xông cho trẻ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ca-nhiem-tang-nhung-vao-vien-khong-nhieu-20220304214453072.htm