Cả nước có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh mầm non, phổ thông
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình tổ chức dạy học tại các địa phương, tính đến ngày 15/1/2022, cả nước có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình và Hà Nam. Tại các địa phương này, dịch đang ở cấp độ 1 (vùng xanh).
Đối với các địa phương còn lại, 19 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình; 37 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Tổng số huyện/thị xã/thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Cả nước có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học đến trường, chiếm 57,38% học sinh tiểu học trên cả nước; 53 tỉnh, thành phố cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm 69% học sinh của cả nước.
Ngày 18/1, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường học trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp, đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục, ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.
Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học... Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.