Cả nước có gần 1.900 điểm sạt lở

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, đến ngày 1-5, trên cả nước ngày trời nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ. Khu Tây Bắc có mưa rào và dông nhiều nơi tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Người dân tỉnh An Giang khắc phục thiệt hại do mưa, dông lốc gây ra. Ảnh: HẠNH CHÂU

Người dân tỉnh An Giang khắc phục thiệt hại do mưa, dông lốc gây ra. Ảnh: HẠNH CHÂU

Hiện nay, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn từ ngày 28 đến 30-4 ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức thấp hơn thời kỳ từ ngày 21 đến 25-4.

* Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện cả nước có gần 1.900 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 2.350 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), với tổng chiều dài 218 km. Tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau.

* Theo UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu), khoảng 15 giờ ngày 27-4, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cháu bé 3 tuổi bị lũ cuốn trôi sau gần bốn ngày tìm kiếm. Đến nay, huyện Phong Thổ đã tìm thấy thi thể ba nạn nhân trong đợt mưa lũ xảy ra tối 23-4. Huyện đang dồn toàn lực cho công tác khắc phục thiệt hại, hỗ trợ làm nhà cho dân, khôi phục lại sản xuất. Huyện đã hỗ trợ hơn 60 hộ trong tổng số hơn 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo bị thiệt hại dựng lại nhà.

* Ngày 28-4, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình trên địa bàn xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, bị thiệt hại trong đợt mưa đá vừa qua. Hội tặng 36 suất quà, mỗi suất một triệu đồng, bao gồm gạo, mắm, muối, mì chính, cá khô, mì tôm, khẩu trang và áo chống rét cho 36 hộ dân bị mất nhà cửa ở xã Mù Sang.

* Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để tiêu nước nhằm cứu hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 23 đến 27-4. Theo đó, các công ty thủy lợi và các xã huy động các trạm bơm điện, tháo các cống trên đê tiêu ở đập Cửa Lác, đập Thảo Long, cống Truồi… để tiêu úng, dự kiến trong hai ngày nữa sẽ hoàn thành.

* Tại tỉnh Bình Thuận, mưa lớn kèm dông xảy ra trên địa bàn huyện Tánh Linh đã làm 2 ha cao-su bị đổ gãy, ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng. Chính quyền địa phương tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

* Ngày 28-4, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa quyết định phê duyệt số tiền gần 26 tỷ đồng hỗ trợ người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai bị thiệt hại do ngập lụt gây ra trong tháng 8-2019. Theo đó, 146 hộ dân nuôi cá bè ở ba xã thuộc huyện Định Quán được hỗ trợ kinh phí, gồm: xã Ngọc Định có 91 hộ được nhận hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng; xã Thanh Sơn 39 hộ với gần 10 tỷ đồng và xã Phú Vinh có 28 hộ được hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền hỗ trợ được trích từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh. UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét hỗ trợ kinh phí đối với những trường hợp bị thiệt hại do trận ngập lụt gây ra vào tháng 8-2019, tại huyện Tân Phú. Trước đó, UBND huyện Tân Phú kiến nghị hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân với tổng số tiền hơn 12,4 tỷ đồng.

* Ngày 28-4, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang thăm, hỗ trợ các hộ dân có nhà bị tốc mái hoàn toàn tại huyện Chợ Mới, hỗ trợ mỗi hộ ba triệu đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng cấp huyện và xã đã hỗ trợ các hộ gia đình sửa chữa lại những căn nhà bị tốc mái, sớm ổn định cuộc sống.

* Sáng 28-4, “Chương trình đồng hành cùng người dân vùng hạn, mặn” do Ủy ban MTTQ quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), LĐLĐ quận, Quận đoàn phối hợp cùng Công ty TNHH PLB Việt Nam tổ chức thăm hỏi và tặng 30 bồn chứa nước (dung tích 500 lít) cho người dân khó khăn do ảnh hưởng hạn hán, mặn tại huyện Giồng Trôm, Chợ Lách (Bến Tre). Dự kiến, ngày 29-4, chương trình sẽ tiếp tục tặng 20 bồn chứa nước cho người dân khó khăn tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

* Tại tỉnh Cà Mau, mưa kèm dông lốc trong bốn ngày qua đã làm sập và tốc mái 73 nhà dân trên địa bàn huyện U Minh và Thới Bình, làm nhiều cây xanh ngã, đổ. Từ đầu năm đến nay, thiên tai làm sập tám nhà dân, tốc mái 72 nhà. Ngoài ra, hạn hán kéo dài còn gây thiệt hại hơn 20 nghìn héc-ta các trà lúa và hơn 22 héc-ta rau màu, làm sụt lún 1.163 vị trí trên nhiều tuyến giao thông, tổng chiều dài lộ hư hỏng hơn 25.240 m...

* Ngày 28-4, liên quan đến vụ đắm tàu chở gạo trên vùng biển Trà Vinh, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, tàu gặp nạn đang trên đường vận chuyển gạo từ An Giang đi Phi-li-pin. Được biết, tàu Jagat Raya, quốc tịch In-đô-nê-xi-a (trọng tải 300 tấn) chở 230 tấn gạo xuất phát từ cảng Mỹ Thới (An Giang), trên thuyền có bảy thuyền viên, bị sự cố hỏng máy, khoang hàng bị nước tràn vào. Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ huy động lực lượng hỗ trợ tìm kiếm. Đến 17 giờ ngày 27-4, lực lượng chức năng phát hiện hai thuyền viên đầu tiên trôi dạt trên biển. Tiếp tục mở rộng tìm kiếm, lần lượt tìm thấy thêm bốn thuyền viên khác. Hiện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đang cố gắng tìm kiếm thuyền viên còn lại.

* Hồi 3 giờ ngày 27-4, tàu cá mang số hiệu QNa 95654 TS, trên tàu có 31 ngư dân, khai thác hải sản ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Khi đang đánh bắt, tàu gặp lốc xoáy và bị phá nước, dẫn tới chìm tàu. 30 ngư dân của tàu bám vào những chiếc thúng, trôi dạt trên biển. Hiện tàu của Vùng 2 Hải quân đã đưa được 30 ngư dân của Quảng Nam lên nhà giàn DK1/11 tránh trú. Lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm một ngư dân mất tích.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44281102-ca-nuoc-co-gan-1-900-diem-sat-lo.html