Cả nước có tới 1.900 bến thủy nội địa đang hoạt động không phép
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra trên các bến thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sắp tới sẽ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và đề xuất phương hướng xử lý các bến đường thủy không phép.
Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tổng số cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép và đang hoạt động là 5.553 cảng, bến, gồm 310 cảng và 5.243 bến có phép.
Cụ thể, tổng số bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 1.900 bến. Trong số đó, 991 bến hết hạn hoạt động; 909 bến hoạt động không phép.
Riêng địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có 134 bến hết hạn hoạt động, hoạt động không phép; trong đó Bắc Giang có 82 bến nằm trên hai tuyến sông Thương và sông Lục Nam, sông Cầu. Bắc Ninh có 58 bến nằm trên hai tuyến sông Cầu và sông Đuống.
Khẳng định triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế, xử lý cảng, bến không phép, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thừa nhận tình hình vẫn phức tạp do các bến không phép ngoài khu vực chi cục, cảng vụ được giao quản lý, chủ yếu thuộc địa bàn địa phương quản lý.
Nguyên nhân được ông Thu chỉ ra là do một số bến đã tồn tại lâu năm; lực lượng Thanh tra-An toàn đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hiện không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 1/3/2024 nên chỉ nhắc nhở vi phạm và kiến nghị các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý.
Trước thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra để bộ chủ trì hoặc giao cục chủ trì phối hợp với các địa phương, các lực lực lượng triển khai. Từ 1/7-31/12/2024 tiến hành kiểm tra cuốn chiếu trên các tuyến, kết thúc năm nay phải hoàn thành toàn bộ.
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý khi xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động các bến đường thủy phải đánh giá được tác động đến vận tải và đề xuất hướng xử lý, giải pháp khắc phục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Qua cuộc tổng kiểm tra tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đánh giá rõ được các tồn tại, vướng mắc, từ đó đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực đường thủy nội địa, tạo thuận lợi cho vận tải thủy phát triển an toàn, bền vững./.