Cả nước còn hơn 700 thôn/bản chưa có sóng băng rộng di động

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trên cơ sở khảo sát tình hình thực tế, Bộ đã thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, xác định các thôn chưa có sóng băng rộng di động.

Từ năm 2021 đến tháng 3/2025, tổng số thôn/bản chưa có sóng băng rộng di động là 3.310 thôn, trong đó, số thôn thuộc địa bàn hỗ trợ của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt nam là 2.141 thôn, bản (ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn). Tổng số thôn/bản đã được phủ sóng băng rộng di động là 2.593 thôn, trong đó thuộc địa bàn hỗ trợ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là 1.493 thôn/bản. Tổng số thôn/bản còn lại chưa có sóng băng rộng di động đến tháng 3/2025 là 717 thôn/bản. Trong đó, số thôn/bản đặc biệt khó khăn đã có điện là 537 thôn/bản; số thôn/bản không thuộc khu vực khó khăn đã có điện là 63 thôn/bản; số thôn/bản chưa có điện (bao gồm thôn/bản khó khăn và thôn/bản không khó khăn) là 117 thôn/bản.

Trên cả nước, đến nay vẫn còn hơn 100 thôn/bản chưa có điện lưới.

Trên cả nước, đến nay vẫn còn hơn 100 thôn/bản chưa có điện lưới.

Để sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích phủ sóng vùng lõm, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ Tờ trình số 08/TTr-BKHCN ngày 13/3/2025 về việc ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích. Bộ KH&CN cũng lý giải: Do các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định rất phức tạp, khó và mới nên Bộ đã rất tích cực trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất các nội dung trong dự thảo Nghị định. Các thôn/bản đã có điện thuộc xã đặc biệt khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông chưa có đường cơ giới vào thôn, một số thôn nằm ở khu vực địa hình núi cao, khoảng cách truyền dẫn điện, quang quá xa nên thời gian để doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng phủ sóng dịch vụ viễn thông di động mặt đất kéo dài.

Việc không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân bởi giờ đây gần như toàn bộ cuộc sống đã chuyển lên môi trường số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu đến tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng...

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2024, một số đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng lõm sóng. Bởi theo các đại biểu, việc các thôn, bản không có sóng di động khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Thông tin tới đại biểu về vấn đề này tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, có nhiều nguyên nhân của vấn đề này; và thừa nhận trách nhiệm này thuộc về mình.

Đề xuất chuyển hướng hỗ trợ máy tính bảng của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sang điện thoại thông minh

Bộ KH&CN cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, giá máy tính, máy tính bảng, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khuyến nghị các tiêu chí kỹ thuật (cấu hình) cơ bản đối với các thiết bị trao tặng thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trên cơ sở khuyến nghị của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị máy tính bảng (Viettel, VNPT, Samsung, Lenovo, Xelex…) tham khảo thị trường để xây dựng cấu hình khuyến nghị. Đồng thời, Bộ KH&CN đã tổ chức rà soát, xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 và đã có văn bản xin ý kiến các bộ, địa phương, doanh nghiệp, trong đó có nội dung đề xuất phương án chuyển hướng hỗ trợ máy tính bảng của Chương trình sang hỗ trợ điện thoại thông minh cho đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết của Quốc hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện thoại).

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ca-nuoc-con-hon-700-thon-ban-chua-co-song-bang-rong-di-dong-i767490/