Cả nước đổ xô đầu tư đất nền, cơ hội nào cho căn hộ chung cư bứt phá?

Theo đánh giá của Colliers Intercontinental Việt Nam, chung cư vẫn là khoản đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp.

Căn hộ vẫn là sản phẩm đáng để đầu tư

Từ đầu năm tới nay, phân khúc căn hộ chung cư đang có sự phân hóa rõ rệt giữa 2 miền Nam - Bắc. Trong khi tại thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An, phân khúc căn hộ vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo của thị trường, với tỷ lệ hấp thụ trên 70% - 80%.

Chung cư vẫn là khoản đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp.

Trong khi đó, tại Hà Nội, căn hộ đang bị “thất sủng”, thay vào đó, giới đầu tư lại chuyển dòng vốn sang đất nền và các dòng sản phẩm nhà ở gắn liền với đất.

Dù vậy, theo đánh giá của Colliers Intercontinental Việt Nam, chung cư vẫn là khoản đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp.

“Trong khi mật độ dân số của Việt Nam cao hơn các nước láng giềng như Thái Lan, tỷ lệ diện tích sàn căn hộ trên một người vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, do đó có tiềm năng lớn về nguồn cung mới đáp ứng nhu cầu của người dân”, đại diện của Colliers cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý, chính sách điều tiết về nhà ở và tăng trưởng thị trường bất động sản đã được hoàn thiện và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Luật Xây dựng 2020 đã thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Bảo vệ môi trường về phê duyệt đề xuất đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc công nhận nhà phát triển, do đó tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch hơn đồng thời giảm thiểu đầu cơ và các hoạt động thao túng giá.

Nhiều dự án hạ tầng đáng chú ý ở phía Đông TP.HCM đang thúc đẩy nhu cầu và giá bán căn hộ tại khu vực đó như đường cao tốc Bắc Nam, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro số 1, đường vành đai 2, Cao tốc Mai Chí Thọ và Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng tiếp cận các dự án trong khu vực.

Tại Hà Nội, tuyến metro số 1 Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị bàn giao cho chính quyền thành phố vào tháng 5 để đưa vào vận hành thương mại, mang lại sự sôi động cho thị trường bất động sản Hà Nội.

Dòng vốn chảy ồ ạt vào bất động sản

Theo giới chuyên gia, một trong những động lực hỗ trợ cho phân khúc căn hộ tăng trưởng trong thời gian tới, là việc lãi suất cho vay đang thấp kỷ lục. Trên thị trường tín dụng, dòng vốn chảy vào bất động sản ngày càng tăng mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến giữa tháng 3/2021, dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung của nền kinh tế là 1,47%.

Đặc biệt, trong số 1,85 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản, chỉ có 35% là tín dụng kinh doanh bất động sản, nghĩa là gần 2/3 tín dụng bất động sản nhằm phục vụ nhu cầu mua nhà, sửa nhà thực của người dân.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua bất động sản với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7%-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9%-11%/năm. Đây là mức lãi suất lý tưởng cho giới đầu tư tích cực đi vay, để đầu tư căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc dễ dàng tiếp cận tới nguồn tín dụng, sẽ khiến giới đầu cơ tích cực tích trữ căn hộ, nhằm đẩy giá nhà ở lên cao. Trong trường hợp xấu nhất, khi “bong bóng” nhà ở xuất hiện, có nguy cơ nợ xấu hàng loạt.

Dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng, tín dụng bất động sản thực ra chưa hề đáng lo và đang được ngân hàng nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, nên không có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay: “Theo tính toán của chúng tôi, tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế chỉ mới khoảng 600-650 nghìn tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế, tức không quá lớn. Chưa kể, trong tổng dư nợ cho vay bất động sản có gần 2/3 là cho vay mua, sửa nhà – đây là lĩnh vực cần khuyến khích vì phục vụ nhu cầu thực của người dân”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.

Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ca-nuoc-do-xo-dau-tu-dat-nen-co-hoi-nao-cho-can-ho-chung-cu-but-pha-post131311.html