Cả nước ghi nhận 8.614 ca mắc sởi

Theo Bộ Y tế, trong tuần, cả nước ghi nhận 4.122 ca nghi sởi, giảm 8,8% so với tuần trước (4.519 ca) và ghi nhận 2 ca tử vong liên quan đến sởi, trong đó một ca đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và một ca trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 76.312 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, TP, trong đó có 8.614 ca dương tính.

Nhận định về tình hình dịch cho thấy, số ca mắc có xu hướng tăng từ tuần 9, chững lại ở tuần 14 và giảm ở các tuần 15, 16. Hầu hết các tỉnh có số mắc tăng nằm ở khu vực phía Bắc, các tỉnh phía Bắc có số mắc tăng bắt đầu từ năm 2025 (năm 2024 có số mắc rất thấp), số mắc ở các khu vực còn lại cơ bản đã chững lại và xu hướng tăng không rõ như thời gian trước.

Độ tuổi mắc bệnh đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm hạn kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi. So với 3 tháng đầu năm 2025, nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi (chiếm 61,4%) đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi (chiếm 2,7%), giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vaccine sởi); nhóm trên 10 tuổi (chiếm 35,9%) tăng 6,4% (Nhóm trên 10 tuổi: 11 – 15 tuổi chiếm 19,2%, và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%).

Nhân viên y tế tiêm cho vaccine sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Nhân viên y tế tiêm cho vaccine sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hầu hết các tỉnh, TP đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tại địa phương, huy động sự tham gia hỗ trợ của các ban ngành, các cấp chính quyền tại địa phương trong việc rà soát đối tượng, tổ chức triển khai.

Đến hết ngày 17/4, 52/54 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm trên 95% (đạt chỉ tiêu theo kế hoạch); 2/54 tỉnh tỷ lệ tiêm cao từ 90-95%. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chú trọng đến công tác thông tin và phối hợp, làm việc với Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia để nâng cao chất lượng báo cáo bệnh truyền nhiễm, và phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống.

Trước tình hình này, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Bộ Y tế đã có công văn gửi Viện Vệ dịch tễ/Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, TP về việc rà soát, đề xuất đăng ký đối tượng tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường khám chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm.

Mặc dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, ngành y tế vẫn nhận định còn nhiều thách thức. Một số địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (≥95%) do khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đô thị lớn. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vaccine…

Để ứng phó hiệu quả, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, TP tăng cường truyền thông tình hình dịch và khuyến cáo phòng bệnh. Bộ Y tế yêu cầu rà soát lại đối tượng trẻ từ 11 đến 15 tuổi chưa tiêm chủng/chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi ở tất cả các tỉnh, TP và không rõ tiền sử tiêm chủng, chưa từng bị sởi, có nguyện vọng tiêm vaccine có thành phần sởi đảm bảo chính xác, trong đó nêu rõ số đối tượng ở những khu vực có nguy cơ cao.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn các tỉnh, TP rà soát, thống kê lại số đối tượng thuộc nhóm từ 11 đến 15 tuổi, trong đó nêu rõ số đối tượng ở những vùng nguy cơ cao; phối hợp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3.

Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân và kiểm soát lây nhiễm. Các cơ sở y tế phải đảm bảo báo cáo đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định.

Hà LInh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-nuoc-ghi-nhan-8-614-ca-mac-soi.679405.html