Cả nước nghỉ lễ 30/4, 1/5 có giáo viên phản ánh phải đi dạy bình thường
Bộ Giáo dục cần có sự kiểm tra, rà soát buộc các trường học thực hiện đúng quy định luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và học sinh.
Theo quy định của pháp luật, người lao động có quyền nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe và tái tạo lại sức lao động. Quyền nghỉ ngơi được thể hiện qua ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương và không hưởng lương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, ngành giáo dục ở nhiều địa phương đang vi phạm việc cho giáo viên nghỉ lễ.
Nơi cho nghỉ lễ thì lập tức sau đó, giáo viên phải đi dạy bù thời gian đã nghỉ. Nơi vẫn buộc giáo viên đi dạy bình thường, nơi giáo viên được nghỉ nhưng hiệu trưởng thông tin sẽ phải trừ số tiết dạy chuẩn trong những ngày đã nghỉ.
Việc thực hiện quy định của pháp luật lao động mỗi nơi mỗi khác, dẫn đến người lao động thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc.
“Cô ơi! Học thế bọn em điên mất”
Cô giáo X. (đề nghị không nêu tên), một đồng nghiệp của chúng tôi tại tỉnh Bắc Giang tâm sự: “Em là giáo viên dạy lớp 9 ôn thi vào 10, các trường đua nhau dạy hết cả ngày lễ và chủ nhật.
Ví dụ như ngày quốc lễ 10.3 vẫn dạy. Nãy em đi họp, trường em vẫn chỉ đạo dạy ôn 30.4 và mùng 1.5 này. Học sinh nó bảo: "Cô ơi! Học thế bọn em điên mất!| Em thương học trò. Em cảm thấy tàn nhẫn với trẻ con nhưng nhà trường buộc thế thì phải làm thế nào? Thực trạng muốn khóc chị ạ.
Trường em chỉ đạo học sáng thứ 6,thứ 7 và chủ nhật này. Chiều nghỉ. Giáo viên có ý kiến thì lãnh đạo bảo các trường khác họ cũng học, mình không học mình thua đầu thi vào 10”. Đó là tâm sự nghẹn lòng của giáo viên phải dạy cả ngày lễ dù biết là tàn nhẫn với trẻ con nhưng không thể làm khác.
Nghỉ lễ giáo viên phải dạy bù hoặc bị trừ số tiết chuẩn trong tuần
Từ trước đến nay, mỗi dịp nghỉ lễ giáo viên chúng tôi đều phải dạy bù chương trình vào các tuần dự trữ hoặc linh động dạy bù trong tuần. Dù biết vậy là khá thiệt thòi nhưng cũng không giáo viên nào phản đối vì ai cũng nghĩ dạy thêm cho học sinh cũng là điều tốt.
Tuy nhiên, có trường tiểu học tại tỉnh Bình Thuận lại buộc giáo viên phải chọn lựa một trong các phương án:
Thứ nhất, giáo viên phải dạy bù sau các buổi học sáng (ví dụ học sinh tan học lúc 10 giờ 10 thì ở lại học tiếp tới 11 giờ).
Thứ hai, dạy bù vào sáng thứ bảy hàng tuần.
Thứ ba, nếu không chấp nhận phương án dạy bù, mỗi giáo viên sẽ bị trừ 23 tiết (đây là số tiết quy định chuẩn giáo viên phải dạy trong tuần).
Phạt đến 50 triệu đồng nếu bắt người lao động đi làm dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5
Điều 115 Luật Lao động 2012 quy định, mỗi năm, người lao động có 6 dịp lễ, tết được nghỉ làm và hưởng nguyên lương:
Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng (30.4); Ngày Quốc tế lao động (1.5); Ngày Quốc khánh (2.9); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 Âm lịch).
Vì vậy, trong những ngày lễ sắp tới (30.4 – 1.5), người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương.
Luật lao động còn quy định rõ: Nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của họ và phải trả thêm cho họ ít nhất 300% lương (theo Điểm c Khoản 1 Điều 97 Luật Lao động hiện nay). [1]
Nhiều nhà giáo cũng thắc mắc về quyền được nghỉ lễ
Giáo viên là người lao động trong trường học thì vẫn được đảm bảo thời gian nghỉ lễ hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật và không cần phải đi làm bù sau khi được giải quyết nghỉ lễ.
Tuy nhiên trong thực tế, do tính chất công việc của giáo viên, các trường học thường yêu cầu giáo viên dạy bù để kịp chương trình học giữa các lớp. Khi yêu cầu dạy bù ngày nghỉ lễ thì đây được xác định là thời gian làm thêm giờ.
Theo đó Điều 106 Bộ luật lao động quy định như sau: “Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật trỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Bạn có thể căn cứ vào số tiết dạy theo quy chế của trường học nơi bạn làm việc để xác định thời gian mình được yêu cầu làm bù có nằm trong khoảng thời gian làm việc được quy định hay không.
Nếu thời gian dạy bù vẫn thuộc số tiết bạn phải làm việc theo đúng định mức thì không được coi là thời gian làm thêm giờ, bạn chỉ được hưởng lương cơ bản mà không được hưởng lương làm thêm giờ.
Ngược lại, lịch dạy bù không nằm trong thời giờ làm việc bình thường của giáo viên thì sẽ được xác định là thời gian làm thêm giờ cho giáo viên theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động 2012:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm:
c/ Nếu vào ngày nghỉ lễ, nghỉ có hưởng lương ít nhất phải bằng 300% tiền lương theo công việc đang làm. [2]
Vì thế, chúng tôi cho rằng việc các cơ sở trường học cho giáo viên nghỉ lễ nhưng sau đó lại bắt giáo viên dạy tăng giờ để bù vào những ngày nghỉ là sai.
Đặc biệt, nếu tùy tiện trừ tiết dạy chuẩn của giáo viên để bù vào thời gian giáo viên nghỉ lễ sẽ vi phạm nghiêm trọng những quy định trong Điều 97 Luật Lao động hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự kiểm tra, rà soát buộc các trường học thực hiện đúng quy định luật lao động. Điều này, không chỉ đem lại quyền lợi cho giáo viên mà còn đem đến niềm vui cho chính các em học sinh.
Tài liệu tham khảo:
https://laodong.vn/ban-doc/phat-den-50-trieu-dong-neu-ep-nguoi-lao-dong-di-lam-dip-nghi-le-304-15-900822.ldo
https://tlklawfirm.vn/giao-vien-nghi-le-co-phai-day-bu-khong