Cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp nhưng chưa tuyển hết biên chế được giao.

Sáng 19-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Tham dự hội nghị có sự tham dự Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo bộ ban ngành.

Thiếu giáo viên nhưng chưa tuyển hết biên chế

Sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-20226 cho ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương thực hiện tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao.

Cụ thể, năm học 2023-2024 (tính đến tháng 4-2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên các cấp trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên các cấp là 1.251.377 và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình mới.

 Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2024 của ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2024 của ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Theo Bộ GD&ĐT, dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Tuy vậy, tình trạng này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông.

Cùng với đó, cơ cấu giáo viên còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền. Nguyên nhân do sức hút vào ngành còn hạn chế dẫn đến giáo viên nghỉ việc nhiều, nguồn tuyển giáo viên một số môn đặc thù còn thiếu, các địa phương tuyển dụng còn chậm (hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng).

Ngoài ra, việc quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.... cũng dẫn tới thiếu giáo viên cục bộ.

12 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện các giải pháp để tuyển đủ biên chế được giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD&ĐT đặt ra trong năm học 2024-2025.

Tại hội nghị sáng nay vấn đề này đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Cụ thể, ngành giáo dục tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trong đó, tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72 ngày 18-7-2022 của Bộ Chính Trị, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Song song đó, xác định đúng nhu cầu, từ đó đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thành thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Các đơn vị đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, quan tâm tới đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Các địa phương đảm bảo công tác nuôi dưỡng, an toàn cho trẻ mầm non. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, tích cực chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục...

NGUYỄN QUYÊN - THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-nuoc-thieu-hon-100000-giao-vien-cac-cap-post805879.html