Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo
Tính đến quý II/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%; cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo.
Hưởng ứng Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024, Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024, với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.
Tại chương trình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức tọa đàm “Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng nghề” với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và người lao động, sinh viên.
Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Năm 2022, mỗi lao động Việt tạo ra 188 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan và 79% của Indonesia.
Một trong các lý do được đưa ra là vấn đề trình độ, kỹ năng của người lao động, hiện trạng chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến quý II/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%. Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Nhiều ngành nghề lĩnh vực vẫn chưa có bộ công cụ đo lường hay hệ thống khảo sát, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã nhắc đến một định luật của ngành chất bán dẫn - một ngành thay đổi công nghiệp của toàn cầu, là Định luật Moore: "Số lượng transistor trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng".
Theo ông Hải, đến nay, tốc độ tăng của transistor đã tăng lên vượt trội, chỉ cần 6 tháng để tăng gấp đôi như vậy. “Đối chiếu sang việc nâng cao kỹ năng nghề, ta có thể thấy việc gia tăng năng suất lao động để đạt được tốc độ vượt trội chỉ có thể dựa trên kỹ năng nghề”, ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đối với thanh niên, ngoài hai yếu tố sức khỏe và tri thức thì tâm đức trong sáng là yếu tố quan trọng nhất.
“Các bạn trẻ cần coi trọng tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, cái tâm làm nghề”, ông Thơ nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng thanh niên sẽ dựa trên "4 nhà": nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; nhà nước với vai trò là nhà quản lý; nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực (vai trò của nhà trường là động lực phát triển nguồn nhân lực); nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.
Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã công bố Ngày Thang máy Việt Nam (Vietnam Lift Day) - ngày 16/7 hằng năm là ngày kỷ niệm chính thức của ngành thang máy.