Cả nước vì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển...
Nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội cho phát triển
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt.
Theo Tổng Bí thư, nói đến Vùng đồng bằng sông Hồng là nói đến vùng đất Châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc… Do vậy, đây thường được gọi là Vùng "địa linh nhân kiệt", có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững.
Trên thực tế, Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tỉ trọng đóng góp GDP của Vùng cả nước đạt 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm…
Tuy nhiên, Vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Công nghiệp, đô thị phát triển khá nhưng còn mang tính tự phát; ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng nặng hơn.
Giải quyết tốt phát triển Vùng và phát triển chung cả nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu 3 điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết số 30-NQ/TW, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo; về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Đáng chú ý, Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng.
Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, mong muốn cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng nhất định sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người "Bắc Hà"; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và toàn Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực tăng trưởng Bắc Bộ đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này.
Qua đó tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần “Cả nước vì đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.