Cà phê bị vàng lá, rụng quả sau khi bón phân
Một số gia đình tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vừa có đơn trình báo tới các cơ quan chức năng về việc rẫy cà phê của họ đang xanh tươi bỗng chuyển sang vàng lá, rụng quả. Cây có dấu hiệu khô cành, thối rễ sau khi bón phân NPK 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) được mua tại một đại lý phân bón trên địa bàn.
Rẫy cà phê chỉ cách đây hơn một tháng lá còn xanh tươi mơn mởn, chi chít quả non, nay bỗng chuyển sang màu vàng úa. Bà Nguyễn Thị Tài (thôn 13, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) cho biết, tháng 4 vừa qua, khi trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa lớn, gia đình bà đã mua 4 tấn phân NPK 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) tại đại lý phân bón Minh Ngọc, xã Lộc Ngãi về bón cho hơn 1ha cà phê.
Khoảng hai tuần sau khi được bón phân, toàn bộ vườn cà phê của gia đình bà Tài xảy ra tình trạng vàng lá, rụng quả với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, nhiều gốc cà phê đã bắt đầu có dấu hiệu thối chết rễ, hoàn toàn mất khả năng thu hoạch quả.
Tương tự, ông Trần Văn Quân, ngụ tại thôn 13, xã Lộc Ngãi cũng cho biết, sau hơn 10 ngày bón phân NPK 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF mua tại đại lý Minh Ngọc, gần 1,5ha cà phê của gia đình ông cũng bị vàng lá, rụng quả rất nhiều. Hiện tại, không ít cây cà phê đã bắt đầu bị khô cành, thối rễ. Ở một số gia đình khác cũng đã xảy ra tình trạng tương tự.
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, chủ đại lý phân bón Minh Ngọc xác nhận, những gia đình có vườn cà phê bị vàng lá, rụng quả nói trên đều mua phân NPK 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) tại đại lý của gia đình bà. Có hơn 10 hộ dân khác trên địa bàn mua cũng loại phân trên để bón cho vườn cà phê. Tuy nhiên, vườn cà phê của những hộ dân còn lại vẫn xanh tốt, phát triển bình thường.
Bà Bích đã báo với công ty cung cấp phân bón phối hợp cùng cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm để xác định nguyên nhân, có hướng hỗ trợ cho bà con nếu nguyên nhân sự việc trên là do phân bón gây ra. “Hiện tại, phía công ty và gia đình tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng để có hướng xử lý...”, bà Bích cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, lãnh đạo UBND huyện đã giao các phòng chức năng của huyện phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng làm rõ nguyên nhân.
Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu phân gửi đi giám định chất lượng và đang chờ kết quả. Hiện chưa thể khẳng định được loại phân các hộ mua tại đại lý Minh Ngọc bón cho cà phê là phân giả hay kém chất lượng, bởi nhiều hộ khác cũng mua loại phân này bón cho cà phê nhưng cây cà phê không có dấu hiệu thoái hóa như các hộ trên.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm qua, tỉ lệ mẫu phân bón, thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng được phát hiện vẫn còn cao. Trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường khiến bà con mua phải, dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.
Trong năm 2021 tới tháng 4/2022, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp trên địa bàn, phát hiện nhiều cửa hàng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng.
Cụ thể, trong 70 mẫu phân bón được cơ quan chức năng giám định có 5 mẫu phân giả (chất lượng dưới 70%), 17 mẫu chất lượng không phù hợp với quy chuẩn công bố áp dụng. Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm 22 trường hợp, ra quyết định xử phạt tổng số tiền 260 triệu đồng.
Trong số 17 đại lý buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì huyện Di Linh chiếm nhiều nhất với 5 đại lý, TP Bảo Lộc 3 đại lý. Trong số 5 đại lý kinh doanh phân bón giả, ở huyện Bảo Lâm có 2 đại lý, huyện Đơn Dương 2 đại lý và 1 đại lý tại TP Bảo Lộc.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ca-phe-bi-vang-la-rung-qua-sau-khi-bon-phan-i655228/