Cà phê có tác dụng đặc biệt gì với người rối loạn nhịp tim?
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, uống cà phê mỗi ngày có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức ở những người có nhịp tim không đều.
Nội dung
Cà phê giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức ở những người bị rung nhĩ
Cần sớm giải quyết vấn đề sức khỏe tim mạch ngay từ khi còn trẻ
Cà phê giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức ở những người bị rung nhĩ
Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề, nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tử vong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là tình trạng suy giảm nhận thức.
So với người không bị rung nhĩ, người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, uống cà phê mỗi ngày có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức ở những người bị rung nhĩ.
Tiến sĩ Massimo Barbagallo, tác giả chính của nghiên cứu và là bác sĩ nội trú tại Khoa chăm sóc tích cực thần kinh tại Bệnh viện Đại học Zürich (Thụy Sĩ) cho biết: "Chúng ta biết rằng việc uống cà phê thường xuyên có lợi cho hiệu suất nhận thức ở những người khỏe mạnh. Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất được biết là làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ một cách độc lập. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu cà phê có thể ngăn ngừa nguy cơ suy giảm nhận thức gia tăng ở những người mắc rung nhĩ hay không?".
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích những đánh giá về nhận thức đó và xem xét liệu việc uống cà phê có thể tránh được tình trạng suy giảm nhận thức vốn là mối nguy hiểm đã biết của rung nhĩ hay không. Vì bệnh Alzheimer và rung nhĩ có liên quan đến tình trạng viêm toàn thân, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích các dấu hiệu viêm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Nhìn chung, điểm kiểm tra nhận thức cao hơn có liên quan đến việc tiêu thụ nhiều cà phê hơn.
Cụ thể, điểm số về tốc độ xử lý, khả năng phối hợp thị giác vận động và sự chú ý được cải thiện đáng kể 11% ở những người uống cà phê so với những người không uống.
Tuổi nhận thức được tính là trẻ hơn 6,7 tuổi ở những người uống nhiều cà phê nhất so với những người uống ít nhất.
Các dấu hiệu viêm nhiễm thấp hơn 20% ở những người tham gia uống năm cốc mỗi ngày so với những người uống ít hơn một cốc mỗi ngày.
Không tìm thấy bất kỳ tương tác nào giữa tuổi tác, giới tính và việc tiêu thụ cà phê.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các nghiên cứu trước đây cho thấy tác dụng bảo vệ của việc uống cà phê thường xuyên chống lại tình trạng suy giảm nhận thức ở người cao tuổi, có thể là do caffeine và các thành phần hoạt tính khác bao gồm magie và vitamin B3 (Niacin); hoặc có thể là do vai trò của cà phê trong việc làm giảm các hóa chất gây viêm.
Tuy nhiên, nghiên cứu quan sát này không thể kết luận rằng cà phê thực sự ngăn ngừa suy giảm nhận thức lâu dài. Những hạn chế của nghiên cứu là các tác giả đã đo lường khả năng nhận thức và lượng cà phê tiêu thụ của những người tham gia tại cùng một thời điểm. Điều này có nghĩa là nghiên cứu không thể đánh giá sự khác biệt trong suy giảm nhận thức theo độ tuổi, hơn nữa lượng cà phê uống hiện tại được báo cáo có thể không phản ánh những thay đổi trong lượng tiêu thụ trước đó.
Cần sớm giải quyết vấn đề sức khỏe tim mạch ngay từ khi còn trẻ
Một tuyên bố khoa học mới của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, việc giải quyết vấn đề sức khỏe tim mạch sớm có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và giúp duy trì khả năng suy nghĩ và trí nhớ sau này trong cuộc sống.
Ba bệnh tim mạch phổ biến ở người lớn (suy tim, rung nhĩ và bệnh tim mạch vành) có liên quan đến suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng,14-81% bệnh nhân suy tim gặp phải một số mức độ suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến ngôn ngữ, trí nhớ hoặc chức năng điều hành.
Bằng chứng cũng chỉ ra rằng, những người bị rung nhĩ có nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ hoặc tư duy cao hơn 39%; người lớn bị bệnh tim có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn 27%; và có tới 50% cá nhân bị suy giảm nhận thức sau một cơn đau tim.
Các yếu tố nguy cơ chung giữa rung nhĩ và chứng mất trí bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim, hút thuốc, bệnh mạch máu, rối loạn hô hấp khi ngủ và tuổi cao. Các yếu tố này gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng của não dẫn đến suy giảm nhận thức. Đột quỵ, một yếu tố dự báo chính về suy giảm nhận thức, có liên quan trực tiếp đến rung nhĩ. Chảy máu não hoặc xuất huyết nhẹ cũng phổ biến hơn ở những người bị rung nhĩ và liên quan đến suy giảm nhận thức.
Do đó, việc quản lý sức khỏe tim mạch ngay từ khi còn trẻ rất quan trọng, không chỉ để ngăn ngừa bệnh tim mà còn bảo vệ sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở tuổi già.