Cà phê dược liệu của ông Mạnh

Những hạt cà phê do ông Nguyễn Hữu Mạnh làm ra được sản xuất theo quy trình hữu cơ có tính dược liệu mang 2 thương hiệu Mr. Mạnh và Arabica Xuân Sơn Cầu Đất đem đến cho khách hàng những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Ông Mạnh mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm cà phê mang thương hiệu của từng hộ gia đình

Ông Mạnh mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm cà phê mang thương hiệu của từng hộ gia đình

Tìm về cà phê nguyên bản

Thế giới càng phát triển văn minh, con người càng có xu hướng tìm đến cái chân, thiện, mỹ. Và không ít ý kiến cho rằng, đỉnh cao của hoàn hảo lại là sự nguyên bản. Ông Nguyễn Hữu Mạnh (60 tuổi), thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt) gây dựng trang trại và kiên trì với con đường đã chọn - trồng cà phê theo phương pháp hữu cơ.

Ông Mạnh chia sẻ: Cà phê dẫu có biến đổi qua bao nhiêu hình thái đi chăng nữa, thì rồi cuối cùng cũng vẫn quay về với chính nó: cà phê nguyên bản. Đó chính là giá trị đích thực của cà phê.

Nằm cạnh rừng thông xanh ngát ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, thoạt nhìn, trang trại cà phê của ông Mạnh cũng giống như bao trang trại cà phê bình thường khác, thậm chí nó giống như một khu vườn tạp với đủ các loại cây trồng đa dạng. Tuy nhiên, khi đón ly cà phê đầu tiên do chính tay chủ trang trại pha chế, thì thực khách là người uống cà phê hay bị say như tôi vẫn có thể thưởng thức được loại thức uống này.

Ông Mạnh kể: Vì yêu thành phố mộng mơ Đà Lạt, năm 2015 từ Hà Nội tôi quyết định vào đây để an dưỡng tuổi già. Theo đuổi những loại cây dược liệu, ban đầu tôi tính mua vườn để trồng Atiso và bén duyên với cà phê thật tình cờ. Tôi về vùng Xuân Sơn, Cầu Đất để thực hiện ước mơ của mình, vườn cà phê tôi lựa chọn dự định sẽ trồng toàn bộ là Atiso.

Đến mùa thu hoạch năm đó, tôi vẫn cho người chủ cũ thu hoạch, chỉ xin lại vài tạ rang xay để làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Thật tình cờ, những người bạn của tôi uống khen ngon không khác gì uống ly cà phê ở châu Âu với giá 20-30 USD. Có những người không hề uống được cà phê nhưng khi thử loại cà phê này thấy con người trở nên hưng phấn, dễ chịu.

Việc này làm ông trăn trở, sau đó, ông cùng với người bạn ở “Viện Nghiên cứu hàn lâm vì sức khỏe con người” tìm hiểu và nghiên cứu dược tính của cà phê và được biết: Cà phê có vị đắng, có tác dụng kích thích thần kinh và tâm thần, làm tăng hoạt động của tim, co mạch trung ương,… Thường dùng trị suy nhược, mất sức do bệnh nhiễm trùng, mất trương lực dạ dày. Cà phê còn được sử dụng là thành phần trong các loại thuốc giảm đau, kích thích… Từ đó, ông quyết định theo đuổi hạt cà phê dược liệu.

Ông Mạnh chia sẻ: “Để phát huy tính dược liệu trong cà phê, tôi lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ truyền thống và đi ngược lại với xu hướng sản xuất hiện tại với năng suất vượt trội là sản xuất sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Việc ấy, đồng nghĩa với năng suất của khu vườn sẽ không đạt”. Trang trại của ông theo đuổi con đường hữu cơ 5 năm nay, dẫu chưa thu được lợi nhuận là bao nhưng ông tin rằng những năm về sau, cà phê hữu cơ sẽ lên ngôi, lúc ấy việc theo đuổi giá trị cà phê nguyên bản sẽ có thành quả.

Tạo dựng thương hiệu cà phê Cầu Đất cho từng hộ gia đình

Cà phê Cầu Đất có từ thời Pháp thuộc hơn 100 năm nay, được người Pháp rất yêu thích và đã đưa những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu về đây. Cà phê Arabica Cầu Đất Đà Lạt có mùi vị độc đáo, được thị trường ưa chuộng. Hiện tại có rất nhiều nơi mượn thương hiệu Cầu Đất để bán với mức giá thấp. Ông Mạnh trăn trở làm thế nào để cà phê Cầu Đất về đúng với giá trị vốn có của nó.

Thương hiệu cà phê Cầu Đất đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận, do vậy, người nông dân phải sản xuất thật sự bền vững để giữ vững được thương hiệu, giữ được hương vị nguyên bản của mình để người tiêu dùng thưởng thức và đánh giá. Khi tạo ra thương hiệu cà phê Arabica Xuân Sơn Cầu Đất và Mr. Mạnh, ông Mạnh mong muốn, người nông dân trực tiếp sản xuất ra cà phê có vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng hạt cà phê, để từ đó cùng nhau nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê và góp phần xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.

Ở trang trại cà phê Mr. Mạnh, Specialty coffee (cà phê đặc biệt) được ông làm theo quy trình khép kín. Đầu tiên, ông chọn giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Đối với loại cà phê này, vùng trồng càng cao sẽ cho chất lượng ngon. Nằm trong khu vực ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, nơi đây được xem là điều kiện thuận lợi cho cà phê đạt chất lượng cao nhất. Hiện trang trại đã phát triển diện tích lên đến 5 ha với gần 17.000 cây cà phê Arabica. Tất cả diện tích trên đều được ông Mạnh canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ bền vững. Với lão nông Nguyễn Hữu Mạnh, mỗi gốc cà phê được ông vun trồng và chăm sóc bằng tất cả tình yêu và tâm huyết. Để rồi vào thời điểm tháng 10 hàng năm, những trái cà phê chín mọng được ông thu hái bằng tay, lên men và sơ chế ngay tại vườn, tạo nên hương vị tốt nhất.

Tại trang trại Mr. Mạnh, ông Mạnh gần như là người trồng cà phê duy nhất ở Cầu Đất có thể tự mình làm từ A-Z (from farm to cup): từ việc xác định giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, lên men, sàng lọc, rang xay, cupping (tức quy trình ngửi - nếm một cách chuyên nghiệp để kiểm định chất lượng cà phê), cho đến pha chế. Không chỉ trồng, thu hoạch và chế biến cà phê, ông Mạnh còn có sở thích rang và thưởng thức cà phê do chính mình làm ra. Niềm đam mê ngày càng mạnh mẽ đã biến thành động lực để ông sản xuất ra loại cà phê Arabica chất lượng cao tại Đà Lạt. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất cà phê, niên vụ 2019 - 2020 vừa qua, trang trại của ông Mạnh thu hoạch khoảng 3 tấn hạt nhân/5 ha, tất cả sản phẩm ông dành để chiết xuất tính dược liệu của cà phê.

Ông Mạnh mong muốn giúp người trồng cà phê thay đổi nhận thức, để họ không chỉ xem mình là một người sản xuất, mà còn phải là một nhà kinh doanh. Theo ông Mạnh, muốn Nhà nước bảo hộ sản phẩm này, chính người dân phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Hiện trang trại cũng đang liên kết với một số hộ chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho người dân, nhưng mục tiêu cao hơn của ông là giúp người dân tạo dựng thương hiệu của từng gia đình, nếu chưa có nơi chế biến thì ông sẵn sàng giúp họ, để từ đây, mỗi nhà sẽ tự tạo ra cho mình một thương hiệu riêng, góp chung vào thương hiệu Cà phê Cầu Đất.

PHONG VÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/ca-phe-duoc-lieu-cua-ong-manh-3009935/