Cà-phê hồi xửa hồi xưa

Quán cà-phê chắc chắn không chỉ bán cà-phê, nhưng không biết tự bao giờ khi mở quán bán nước giải khát, chủ quán luôn ghi trên bảng là “Cà-phê”. Bây giờ có thể nói là ra ngõ gặp quán cà-phê. Mờ sáng ở những con đường lớn nhỏ, dạng cà-phê “cóc” với một bà hoặc cô chủ bày biện những chiếc ghế nhỏ nhỏ cho khách quen tới uống. Quán có giá rẻ, và đông khách hay không không thuộc vào lãnh vực cà-phê ngon hay dở, mà chủ yếu là “cô chủ” xinh hay không xinh. Rồi các quán cà-phê sân vườn chủ yếu cho khách tới chụp ảnh “check in” đến cà-phê có những hồ nước nuôi cá Kol, và phong trào cà-phê mang về đang rất thịnh..

Quán cà-phê 79- Hoàng Diệu (Đà Nẵng) vẫn giữ nét xưa cũ.

Quán cà-phê 79- Hoàng Diệu (Đà Nẵng) vẫn giữ nét xưa cũ.

Rồi nhiều người hỏi, hồi xưa Nha Trang có quán cà-phê không? Không riêng Nha Trang mà khắp các tỉnh thành đều có quán cà-phê. Hồi đó quán cà-phê khác hơn bây giờ. Cái khác lớn nhất là bàn ghế luôn xếp đặt riêng tư, thường các quán lớn đêm để đèn mờ, các bàn ghế cách xa nhau, có cây cảnh che chắn, khách ngồi “nhìn nhau” tâm sự, nghe những bản nhạc trữ tình, đa phần là nhạc tiền chiến, nhạc Phạm Duy và nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương… Thường việc chăm chút quán rất kỹ, như trên các bàn đều có một lọ hoa, và đặt biệt là không có ai xài điện thoại di động nên không có wifi (hồi đó làm gì có).

Ký ức của tôi về những quán cà-phê hồi đó rất lạ. Trên đường Cao Thắng ở Sài Gòn có quán cà-phê vườn rất lãng mạn với những bồn hoa che khuất, đa phần khách từng đôi từng cặp. Đường Đồng Khởi (xưa là Catinat) được xem là con đường nổi tiếng nhất và là linh hồn của Sài Gòn có những quán cà-phê “nhà giàu” đa phần những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên điện ảnh, nhà văn, nhà thơ… ngồi, cửa kính nhìn ra phố và đó là những quán có để lại tiền tip. Tôi nhớ có lần được dắt vào đó uống, khi ba tôi để lại tiền lẻ, tôi tưởng ông quên nên lấy sạch.

Tôi nhớ ở Đà Nẵng trên đường Hai Bà Trưng (cũ) có quán cà-phê rất đẹp, những chiếc bàn nhỏ, ghế nệm và mỗi bàn đều có chiếc lọ cắm một bông hồng nhung, quán cà-phê 79 Hoàng Diệu thu hút với vẻ xưa cũ. Hoặc Đà Lạt vào thời đó các quán cà-phê trên đường Lê Đại Hành (đường mang tên vua Gia Long, từ năm 1953 đổi là Lê Đại Hành), cà-phê Thủy Tạ và Đào Nguyên (Đào Nguyên ngay góc Quảng trường Lâm Viên đã bị đập bỏ) và không thể không nhắc đến cà-phê Tùng giờ vẫn còn.

Trở lại Nha Trang, ngày xưa Nha Trang gần như không có nhiều quán cà-phê, mà lại có nhiều quán chè. Các quán chè có mọi nơi với hai loại chè nóng và chè đá. Như trên đường Lê Thành Phương (nhà thờ cũ) đối diện rạp ci-nê Tân Tiến có quán bán các loại chè lạnh rất nổi danh: Sâm bổ lượng, nhãn nhục, trái cây… hoặc các quán chè nóng ở đường Phan Bội Châu. Riêng các quán cà-phê thì quán Chiều Tím nằm ở đường Hai Chùa tồn tại đến sau ngày 30-4-1975 rất lâu là quán dễ thương, trước sân quán có một cây mận tới mùa chin trái đỏ xinh xinh. Những quán khác nằm rải rác trên đường Nguyễn Trải (Phước Hải cũ), đường Lý Thánh Tôn, đường Huỳnh Thúc Kháng và ở 13 ki-ốt chạy dọc theo đường Trần Phú.

Ngẫm lại ngày đó không phải lúc nào cũng đi uống cà-phê, chỉ thỉnh thoảng hẹn hò và đôi khi lại vào quán cà-phê để uống một chai Coca cũng là vui. Hồi đó nhất định chỉ là cà-phê pha phin kèm theo nụ cười của cô nhân viên phục vụ xinh đẹp, bao quanh quán không nhiều cảnh quan để ngắm nên phần lớn là ngắm nhau chứ không phải ngắm cái màn hình điện thoại như đa số khu cảnh ở quán cà-phê hiện nay.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_240969_ca-phe-hoi-xua-hoi-xua.aspx