Nỗi niềm của những người trông coi di tích

Lạng Sơn hiện có trên 300 di tích đã được xếp hạng và nằm trong danh mục kiểm kê. Nhiều năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ trông coi di tích. Tuy nhiên, chế độ, chính sách hỗ trợ những người đang làm nhiệm vụ này vẫn còn bất cập.

Thủ nhang đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc trông coi, dọn dẹp tại di tích

Thủ nhang đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc trông coi, dọn dẹp tại di tích

Ngày 20/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UBND về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 335 di tích thuộc 4 cấp độ gồm: di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và di tích đã kiểm kê được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì 2 mô hình quản lý di tích: mô hình ban, tổ quản lý di tích trực thuộc trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông cấp huyện; mô hình ban quản lý di tích kiêm nhiệm trực thuộc UBND cấp xã, phường, thị trấn. Đối với các di tích có nguồn thu (thường là đình, đền, chùa lớn), người trực tiếp trông coi di tích được hỗ trợ thù lao hằng tháng từ nguồn thu công đức và nguồn thu qua các hoạt động phát huy giá trị di tích.

Tuy nhiên, nguồn thu công đức tại các di tích cũng không giống nhau nên việc cân đối hỗ trợ thù lao cho người trông coi di tích cũng khác nhau. Trường hợp di tích không có nguồn thu hoặc nguồn thu không đảm bảo thì hầu như không có chế độ hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích. Vì vậy, không ít người dù đã đảm nhận công tác trông giữ di tích suốt hàng chục năm nhưng họ vẫn không hề có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh

Di tích là những báu vật vô giá, là chứng nhân lịch sử, là minh chứng cho sự phát triển của địa phương. Để những di tích này được chăm nom, bảo vệ, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền thì đội ngũ những người trông coi di tích đóng vai trò quan trọng. Việc có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng trông coi di tích, ngoài ý nghĩa tri ân, còn là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Họ là những người “sát sườn” với di tích. Bảo đảm quyền lợi, cùng với việc chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng này còn là nhằm gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di sản. Vì vậy, việc có chính sách hỗ trợ chế độ, quyền lợi đối với người trông nom tại các di tích là rất cần thiết. Trên thực tế, một số tỉnh như Hà Giang, Nghệ An, Bắc Kạn... đã ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích.

Trường hợp ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình là một ví dụ. Từ năm 2016 đến nay, ông Hòa đảm nhiệm vai trò của Thủ từ trông coi, hằng ngày đến thắp hương, quét dọn vệ sinh không gian đình. Ông Hòa chia sẻ: Bản thân tôi trông đình nhưng không có chế độ hỗ trợ nào, xuất phát từ cái tâm dành cho di tích nên tôi vẫn cố gắng duy trì công việc này. Về lâu dài, tôi cũng mong cấp trên có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ những người trông coi di tích như tôi. Được hỗ trợ thì phần nào cũng có chút động viên chúng tôi và chúng tôi cảm thấy mình được quan tâm, trân trọng.

Cũng như ông Hòa, ông Hoàng Đình Khoai làm Tổ trưởng Tổ thường trực đình Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đến nay đã 10 năm, mọi việc làm đều xuất phát từ sự tự nguyện và không có chế độ. Ông Khoai luôn coi đây là trọng trách lớn, suốt quãng thời gian đảm nhận công tác này, mỗi khi người dân đến lễ, ông đều nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn. Ông còn là “hướng dẫn viên” am hiểu về lịch sử ngôi đình cổ của làng nên khi có khách đến ông Khoai đều dành thời gian trò chuyện, giới thiệu về giá trị công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh này.

Ông Khoai giãi bày: Tôi quan niệm mình còn sức khỏe thì tham gia để đóng góp cho xã hội, giúp giữ gìn di tích quan trọng của xã và cũng là thể hiện lòng kính trọng của tôi đối với vị Thành hoàng làng. Dù không có chế độ nhưng tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, tôn nghiêm cho di tích.

Hay như tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia, sở hữu di tích cấp quốc gia hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai nhưng hiện nay di tích chỉ có người trông coi kiêm nhiệm. Ông Nông Ngọc Đằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Văn, huyện Bình Gia, Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết: Ban Quản lý di tích có 9 thành viên, chủ yếu là cán bộ xã và trưởng thôn có di tích. Ngoài công việc chuyên môn, hằng tháng chúng tôi phân công thành viên trong ban đến đây để cắt cỏ, thu gom rác tại di tích. Chế độ cho những người trông coi tại đây chưa có. Chúng tôi rất mong muốn có chính sách hỗ trợ chế độ cho người trông coi di tích nhằm góp phần động viên, khích lệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn, tôn nghiêm cho di tích.

Theo ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hữu Lũng, trong các quy định của Nhà nước, hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng nào về chế độ hỗ trợ cho người trông coi di tích. Một số đền, miếu, các cơ sở di tích do người dân tự nguyện trông coi. Đối với những di tích không có nguồn thu thì hầu như những người trông coi di tích là kiêm nhiệm và không có chế độ.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ kinh phí cho những người trông coi di tích, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cho người trông coi di tích. Điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, sở đã phối hợp với các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, nghiên cứu, xây dựng báo cáo thực trạng công tác quản lý, trông coi di tích trên địa bàn tỉnh; báo cáo đánh giá tác động về việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người trông coi di tích; tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người trông coi di tích.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người trông coi di tích đã qua bước xin ý kiến của các sở, ngành và đang được Sở Tư pháp thẩm định, dự kiến hoàn thành và trình UBND tỉnh trong đầu tháng 10/2024 trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành.

Việc xem xét có chế độ hỗ trợ cho người trông coi di tích là một vấn đề cần thiết, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Bằng việc quan tâm hỗ trợ đúng mức cho lực lượng này, chúng ta không chỉ bảo vệ được những giá trị văn hóa quý báu mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.

TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-sach-ho-tro-cho-nguoi-trong-coi-di-tich-noi-niem-tran-tro-5023034.html