Cà phê sáng với tôi

Một lát nữa, cũng có thể là ngày mai, cũng có thể là ngày mốt, Nhân sẽ đọc được lá thư của tôi. Tại sao phải viết một lá thư khi người ta có thể nhắn tin, và những tin nhắn sẽ đi thật nhanh, người cần đọc sẽ đọc nó. Dĩ nhiên là không thể nào gọi điện thoại, bởi điện thoại thường để báo những tin vui chứ không dùng nó để nói lời chia tay.

Ảnh minh họa Internet

Ảnh minh họa Internet

Lá thư tôi viết trên một tờ giấy xé ra từ cuốn sổ tay, viết sau nhiều lần suy nghĩ, viết như một dấu chấm hết cho một cuộc tình. Lá thư dằn trên chiếc bàn gương nơi phòng khách, ở đó mỗi ngày mặt trời vọng từ trên cao rọi xuống, ném những tia vàng như những sợi dây ríu rít trong tinh sương.

Tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại căn phòng đó nữa, giống như vừa đi qua một mùa thu trong một cánh rừng đã đổ hết lá vàng, không quay đầu nhìn lại, chẳng thể quay đầu nhìn lại. Căn phòng đó là những ngày trống rỗng, những đêm trở mình và cả những lo âu khi có tiếng chuông gọi cửa bất ngờ. Căn phòng của những hân hoan đã từng, và sẽ trở thành ký ức.

Tại sao phải viết thư mà không gặp nhau, cứ rõ ràng một lần rồi giũ bỏ những ngày đã có, sắp xếp lại cho mình những ngày mới mẻ, bởi cả hai mãi mãi chỉ có nhau trong bóng tối. Ở đó, là tắt đi ánh đèn, mở rộng tấm mèn che cửa để ánh trăng soi vào cửa gương.

Như tất cả những người con gái muốn từ bỏ quá khứ, muốn bứt lìa những hệ lụy, dẫu trong lòng mình đã hằn sâu vết thương đau, tôi thay số điện thoại và chặn facebook. Bởi số điện thoại và facebook trong thời đại này chính là dấu vết để tìm nhau, là để khó bỏ đi những luyến ái trong cuộc sống này. Trên thế gian này có rất nhiều người tự mình tan biến bằng cách xóa facebook và thay số điện thoại như thế đó.

Tôi bỗng nhớ đến lời một bài hát: “Bình mình ơi dậy chưa? Cà phê sáng với tôi được không?” Ở những ngã đường, bình minh đã thức dậy và bao người đang cà phê sáng với nhau? Còn tôi, không có ai cà phê cùng.

Thành phố sáng hôm nay vẫn rộn ràng những dòng xe trôi mãi miết, con người là vậy, cứ rời đi và trở về, cứ trùng phùng rồi ly tan. Ngồi trong chiếc taxi, tôi nhìn ra ô cửa kính, bắt gặp một đôi bạn trẻ đang tản bộ ở vỉa hè, tay đan nhau tung tăng cười vui, họ không chú ý đến con đường và chẳng chú ý đến bầu trời. Tôi đón một chiếc grab, người tài xế cứ theo định vị mà đi, không hỏi han. Xe đi trong bình minh, cửa kính mở ra cho gió lùa, tôi thoảng nhận ra mùi hương cà phê buổi sáng. Cuối cùng ra bến xe, người lơ xe hối thúc: “Mau lên chị đẹp, xe sắp rời bến rồi”. Xe còn vài chỗ trống, tôi ngồi ở chỗ trống còn lại cạnh cửa sổ. Xe lăn bán , hòa vào phố. Tạm biệt.

Nhân không phải là một người đàn ông xấu, anh là một người đàn ông hoàn hảo, bên cạnh anh, tôi có cảm giác được che chở và yêu đời, nhưng anh đã là một người đàn ông có vợ. Trong cộng trừ nhân chia của thế gian này, tại sao yêu một người đàn ông có vợ trong khi còn biết bao nhiêu người đàn ông khác? Tôi biết điều đó, như vỡ lòng bài học về nhà bà hàng xóm trong khu phố tôi ở trọ thời sinh viên. Bà đã truy lùng cho ra cô tình nhân của chồng mình, vụ đánh ghen náo động cả một khu phố. Đó là những gam màu buồn, rất buồn trong cuộc sống này. Để rồi Nhân xuất hiện trong cuộc đời tôi như nhân vật chính trong một cuốn truyện, mà tác giả đã tạo dựng lên cho một câu chuyện tình. Có điều, trong câu chuyện đó, tác giả không viết đoạn kết.

Tôi gặp Nhân như là định mệnh, đó là một cuộc gặp như là một phân cảnh trong một bộ phim nào đó mà các đạo diễn cố tình đưa vào, dàn dựng như một tình tiết để kết nối sự gặp gỡ giữa nam và nữ. Cứ làm phép tính là cả hành tinh 7 tỉ người, cả đất nước gần 100 triệu người, hay thành phố tôi đến có cả 10 triệu người. Chừng ấy mênh mông đôi khi cũng là một con đường, hàng ngày vẫn cùng đi qua, nhưng chẳng bao giờ chạm mặt. Nhưng tôi và Nhân đã gặp nhau, khi với tôi cái thành phố gần 10 triệu dân này vẫn còn xa lạ, đến độ muốn băng qua bên kia đường cũng phải ngó trước ngó sau bởi âm thanh huyên náo của xe cộ, bởi những tia nắng mai cứ ném xuống chân mình những nghi ngại. Đó là khi tôi gãy gót đôi giày, ngã vào anh khi anh đang đi rất vội. Lỗi là cơn mưa vội đến, những cơn mưa không báo trước của thành phố đã tạo cho bao nhiêu duyên phận, và tôi đã không là ngoại lệ. Lỗi là tôi đã ngã vào anh chứ không phải một ai khác.

Cú ngã tình cờ giữa cơn mưa khi tôi đang vội đến trường, tôi sẽ là cô sinh viên năm cuối, chỉ còn vài tháng nữa là ra trường, đang lo cho tương lai của mình đang mịt mù ở phía trước. Cú ngã khiến chiếc điện thoại để trong túi xách rơi ra, va vào thềm đá nứt rạn, hồn nhiên là những giọt mưa cứ rơi.

Sẽ chỉ là con đường nếu chỉ để lại những dấu chân qua, sẽ chỉ là một cú va chạm bình thường trong cả triệu cú va chạm của thế gian này. Để không thể giải thích là tại sao tôi lại yêu Nhân, một tình yêu mà những nụ hôn vùi chỉ ở trong bóng tối, những vòng xe chở nhau ra phố, chiếc ô tô phải luôn che kính đen…Tôi va vào Nhân, yêu Nhân rồi rơi vào vòng rối rắm giống như một cuộn chỉ đã bị tháo tung ra. Thật ra thì lúc đầu tôi ngỡ Nhân vẫn còn đơn lẻ trên dòng đời, bởi ở anh không có dấu vết gì của một người đàn ông có vợ. Anh đưa tôi đi Đà Lạt, đi Vũng Tàu, đi khắp cùng và chiếc điện thoại của anh khi đó gần như im lặng. Trên ngón tay đeo nhẫn của anh vẫn trống trơn, không thấy một chiếc nhẫn nào lồng vào. Và chưa bao giờ tôi hỏi Nhân chuyện gia đình, thậm chí khi anh đưa tới căn căn hộ nằm ở một chung cư, nơi đó vẫn là một căn phòng không có dấu vết của một người đàn bà.

“Thật ra thì anh đã có vợ. Hiện cô ấy đang ở bệnh viện tâm thần”. Nhân bảo đó là một tai nạn giao thông khủng khiếp trên một đoạn đường có con dốc cao và mưa gió đang về. Tai nạn đã xảy ra cả năm năm nay rồi khi tự mình chị Huệ đi xe từ Đắk Lắk về sau một chuyến đi. Sau nhiều ngày hôn mê, chị Huệ tỉnh lại và đã không còn trí nhớ, trở thành một người khác lạ.

Tôi đã tìm đến nơi đó, một bệnh viện được trồng rất nhiều hoa, những bông hoa hoàng yến vàng, những chùm hoa giấy đỏ và cả những cây hoa hồng được chăm sóc cẩn thận, nở ra những đóa hoa xinh đẹp. Ở nơi chốn ấy, buổi sáng nắng ném từng tia nắng huy hoàng xuống khoảng sân cỏ rất xanh, những người bệnh cứ ngồi trên những chiếc ghế đá, kệ nắng vương víu trên người, những người bệnh ấy đã quên mất ngày hôm qua và chắc cũng chẳng nhớ gì ngày hôm nay. Tôi đã thấy chị Huệ cầm chiếc bình tưới cây, để những tia nước rơi long lanh trong nắng. Chị nhìn tôi cười với nụ cười ám ảnh tôi. Tôi đã đến nắm tay chị, chị nhìn tôi ngơ ngác, ở chị có một nét đẹp của những ngày vui.

Tôi sẽ về lại ngôi nhà nhỏ của mình. Ngôi nhà có hàng rào dâm bụt có những bông hoa đỏ chen nở. Ở nơi tôi ở, buổi sáng được báo thức bằng tiếng gà gáy, cũng có những người chạy bộ tập thể dục vào buổi sáng băng qua cánh đồng lúa. Tôi về, và dỗ dành mình hãy quên đi cú va chạm hôm nào trên con phố đó, hãy coi những ngày qua là một phần đẹp đẽ của cuộc đời mình. Tôi biến mất trong cuộc đời Nhân, lặng lẽ biến mất.

Xe dừng lại ở một quán ven đường. Anh lơ xe nói: “Các chị, các anh xuống nghĩ ngơi rồi đi tiếp”. Tôi bước xuống, quán có những chiếc bàn nhỏ, ghế trắng, hoa giấy đỏ nở rủ trên mái nhà. Tôi gọi một ly cà phê, tôi thầm thì: “Cà phê sáng với tôi được không?”

Khuê Việt Trường

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ca-phe-sang-voi-toi-truyen-cua-khue-viet-truong-a26623.html