Cà phê Tây Nguyên 'cung' đã vượt 'cầu'?
Mấy năm qua, giá cà phê bị rớt thê thảm, người nông dân đang điêu đứng. Trước tình cảnh 'bỏ thì thương, vương thì tội', họ đành sản xuất theo kiểu 'cầm chừng'. Việt Nam hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương quốc tế. Vậy, bài toán đặt ra là phải nâng cao chất lượng cà phê sạch, mở con đường lớn vào thị trường toàn cầu.
Bài 1: Càng làm càng lỗ
“Hiện nay, giá cà phê “xuống dốc” chỉ còn 6.100 đồng/kg trái tươi, nếu hộ nào còn mắc nợ tiền mua vật tư từ đầu vụ của các doanh nghiệp bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vay tiền ngân hàng,... đến kỳ thu hoạch, bán gấp, coi như hết đồng lãi. Giá cà phê thấp dưới giá thành sản xuất, nhưng người nông dân vẫn phải chấp nhận làm, hy vọng năm sau có thay đổi” - ông Võ Ngọc Anh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai chia sẻ.
Vỡ nợ vì “bơm tiền” vào rẫy cà phê
Ông Anh trước đây đổ vốn vào trồng 600 trụ cây tiêu, sau mấy năm, cây tiêu bị “xóa sổ” hoàn toàn, ông đi vay vốn 300 triệu đồng cải tạo trồng 2 hécta cà phê, ông giãi bày: “Nông dân đi vay nợ ngân hàng giống như ngồi trên đống lửa, làm không ra tiền, xoay qua xoay lại là đến ngày trả lãi, vài ngày không trả kịp họ “quy” cho nợ xấu, coi chừng họ tới xiết nhà. Đầu vụ phải chi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dầu,... cuối vụ tính không khéo sẽ bị âm, dư giật chút đỉnh là mừng run rồi. Nhà tôi phải bán bò, huy động tổng lực để “dập tắt” khoản nợ ngân hàng, nhiều người ở trong xã rao bán gấp nhà, rẫy đầy ra đó, nhưng không có ai bỏ vốn ra mua rẫy vào lúc này để ôm nợ”.
Nông dân trồng cà phê luôn chép miệng “lấy công làm lãi” để cố cầm cự, cố vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Nguyễn Huệ, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, trước đó trồng 900 trụ tiêu, hiện tại chỉ còn 200 trụ, mỗi vụ thu về 2kg tiêu trụ, bán dưới giá thành sản xuất.
“Tôi có 1,5 hécta cà phê, chỉ có hai vợ chồng cắm cúi làm suốt ngày, không cần thuê mướn ai làm. Thiếu tiền ăn, tiền phân thuốc ra vựa thu mua cà phê xin ứng trước, vô vụ thu hoạch trả bằng cà phê cho người ta, tính ra không phải bị âm nợ. Còn ông em ruột của tôi, trước đây hắn cũng sở hữu 1,5 hécta cà phê, hai vợ chồng chăm chỉ tự làm, tính qua tính lại thấy có đồng dư. Tưởng ngon ăn, vay tiền mua thêm 2 hécta nữa, số lượng rẫy nhiều, cái gì cũng thuê người làm, sau 5 năm buộc phải bán hết 3,5 hécta đất rẫy mới trả hết nợ, coi như trắng tay” - Ông Huệ tâm sự.
Năng suất cà phê ở Gia Lai thường dao động từ 18 - 19 tấn quả/ hécta, 4,5 tấn tươi mới làm ra 1 tấn nhân hạt, giá bán 32.000 đồng/kg. Tính suýt soát, mỗi hécta cà phê có doanh thu trên dưới 100 triệu đồng, trong khi đó, chi phí cho mỗi hécta từ 70 - 90 triệu đồng. “Nhà tôi làm 10 hécta cà phê, nhà có máy bơm nước, xe kéo, máy xay vỏ, có sân phơi,... cố gắng làm ra hạt nhân mới bán để “kéo” thêm đồng lời, nhưng không kiếm được bao nhiêu. Mấy hộ bán trái tươi là lỗ nặng. Người nông dân mang tiếng là chủ rẫy cà phê, tính toán kỹ lại thì toàn đi làm “đầy tớ” cho các doanh nghiệp” - anh Nguyễn Quang Văn, xã biên giới Ia Chía, huyện Ia Grai thẳng thắn nói.
- Vì sao anh lại cho rằng chủ rẫy cà phê thực chất là làm “đầy tớ” cho doanh nghiệp, nghe nặng nề quá? - Tôi hỏi.
- Đúng như vậy, vào vụ chăm cà phê, hết công ty này rồi công ty khác đến chào mời mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Anh nào cũng nói hay, nghe êm tai là mua, rồi phun, xịt vào cho nhiều làm tăng thêm chi phí sản xuất. Thiếu tiền ra ngân hàng vay, nếu ngân hàng làm khó thì đi vay “tiền nóng” bên ngoài. Cà phê tăng giá, mấy ông tăng giá vật tư theo. Mấy năm nay, cà phê xuống giá thấp, giá vật tư vẫn đứng yên đó, đại lý, nhà phân phối đều có hoa hồng ăn. Còn nông dân phải “chịu đòn” bị thua lỗ.
- Qua mỗi vụ tính sổ thu chi, anh tính khấu hao tài sản như thế nào?
- Máy móc nhà mình cứ vậy làm thôi, tính toán làm gì. Máy hư hỏng bán lấy tiền giao cho thợ sửa chữa.
Đa số người nông dân trồng cà phê chỉ tính “cục tiền” thu được, suốt cả vụ sản xuất họ ít khi ghi chép chi tiêu, khấu trừ ngày công lao động, khấu hao tài sản... “Năm vừa rồi, ông bạn tôi có 2 hécta cà phê, ngay từ đầu vụ ông sắm cuốn sổ ghi chép cẩn thận tất cả các khoản chi tiêu tại vườn cà phê. Cuối vụ thu hoạch, tính tổng doanh thu, trừ các khoản, ông có thu nhập chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Tiếng là chủ vườn cà phê mà thu nhập thua xa ông phụ hồ. Căn cứ vào tiêu chí xóa đói giảm nghèo hiện nay, ông chủ kia đủ điều kiện xếp vào diện hộ nghèo” - Ông Thái Minh Luận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Tuyết Long, tỉnh Gia Lai (có trụ sở tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông) tâm sự.
“Ông lớn” cũng điêu đứng
Ông Thái Minh Luận là một nông dân và doanh nhân chính hiệu, ông xuất thân từ người trồng tiêu, cà phê, rồi “lên đời” thành chủ doanh nghiệp. “Trước đây, tôi trồng rất nhiều tiêu, tiêu chết, còn lại khoảng 2 hécta, gọi người vào hái “chia đôi” mà không ai thèm làm, trong kho còn 2 tấn tiêu khô giá quá thấp nên chưa bán được. Còn mấy hécta cà phê cũng cho người ta vào chăm sóc và thu hoạch, tôi không thu hạt nào. Nếu để tôi chạy theo mấy hécta cà phê đó, coi chừng “sứt đầu mẻ trán”, nhiều người ở vùng này bị mất nhà, vì đầu tư cà phê quá đà” - Ông Luận thông tin.
Đầu vụ, ông Luận bán phân bón, sản phẩm phụ trợ cho người trồng cà phê trong huyện, đến thời điểm thu hoạch, ông thu mua trái tươi, gia công rồi bán lại cho các công ty khác kiếm tí lãi. Phải thật khéo tính toán mới có chút lãi, nếu không dễ bị phá sản trở thành tay trắng. Ông Luận tiết lộ: “Trước đây, tôi bị mất tiền nhiều lắm, cứ đầu vụ cho họ mượn tiền, bán phân bón nợ... cuối vụ, họ bỏ nhà đi đâu, nhiều người hứa trả từ năm này qua năm khác. Bây giờ phải chọn người thật uy tín mới hợp tác làm ăn, cho họ thiếu nợ phân bón và mượn tiền, không làm theo kiểu tràn lan như trước nữa”.
Công ty cà phê Ia Sao 2 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) có gần 1.000 hécta cà phê tại huyện Ia Grai, sản lượng khoảng 7.000 tấn cà phê tươi, công ty vẫn nằm trong diện “cầm cự” cố gắng vượt khó khăn. “Công ty đang cần vốn để “trẻ hóa” và “tái canh” diện tích cà phê đã “lão” năng suất thấp. Công ty mới chế biến tinh được một ít sản phẩm, đa số vẫn làm thủ công giống như người dân đang làm, rồi bán thô cho Tổng công ty, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Cuối năm đang lo chạy tiền đóng bảo biểm cho người lao động” - Ông Vũ Văn Đại, Giám đốc Công ty cà phê Ia Sao 2 nêu khó khăn.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ca-phe-tay-nguyen-cung-da-vuot-cau-post437932.html