Cà phê, trà… Việt được thị trường nhiều nước tin dùng
Riêng trong sáu tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đạt khoảng 4 tỉ USD
Chiều 13-7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM tổ chức hội thảo “Thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức”.
Tiêu chuẩn, quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt
Bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch HUBA cho biết, ước tính thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng ngàn tỉ USD mỗi năm khi nhu cầu về các sản phẩm Halal từ các nước Hồi giáo ngày một tăng.
Song thực tế, doanh nghiệp (DN) thực phẩm Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các nước Hồi giáo vì để đưa được sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi DN phải có chứng nhận Halal.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Do đó, gây nhiều khó khăn cho DN.
Chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm Halal từ năm 2010 sang gần 10 quốc gia Hồi giáo, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty nước giải khát Bidrico cho biết, muốn xuất khẩu sang thị trường này, sản phẩm trước tiên phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để được cấp giấy chứng nhận Halal, với chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng. Tiếp đến là tiếp cận thị trường, đây là yếu tố quan trọng…
“Với tiềm năng lớn, xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu của công ty”-ông Hiến nói.
Ông HJ.Abu Samad, Giám đốc Công ty TNHH Giám định và Chứng nhận Halal Việt Nam cho biết, tùy ngành hàng, đầu tư của của DN trung bình một chứng nhận Halal hơn 20 triệu đồng, hết một năm tái chứng nhận.
Sau ba năm phải chứng nhận lại từ đầu. Chứng nhận Halal có giá trị trên toàn cầu cộng đồng Hồi giáo.
Theo ông HJ.Abu Samad, thị trường Halal toàn cầu 5.000 tỉ USD/năm. Riêng trong sáu tháng đầu năm giá trị xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đạt khoảng 4 tỉ USD.
Hiện nay nhiều sản phẩm Việt Nam được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm…
Phải có đủ thông tin và kiến thức
Theo bà Chi, là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nếu DN Việt tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp hàng Việt vững vàng vào thị trường Halal.
“Đặc biệt, ngay tại Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia…là một trong những thị trường tiềm năng không xa lạ với DN Việt Nam”-bà Chi nói.
Cùng nhìn nhận trên, bà Wong Chiann, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.HCM cho biết, DN Việt muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm “được phép” và “không được phép” theo luật Hồi giáo, ví dụ gạo là được phép và thịt heo thì không được phép.
Toàn bộ dây chuyền sản xuất có đảm bảo nguyên tắc phải hợp vệ sinh và không gây hại cho sức khỏe; các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền.
Hay việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại. Tất cả cần phải được chứng minh trong quá trình chứng nhận Halal.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-phe-tra-viet-duoc-thi-truong-nhieu-nuoc-tin-dung-post742185.html