Cà phê Việt Nam hết hàng xuất khẩu dù giá lên cao kỷ lục
Trước tình hình giá cà phê thu mua tại vườn đang ở mức cao nhất trong khoảng 10 năm qua, tại 'thủ phủ' cà phê của cả nước - tỉnh Đắk Lắk - doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đang khan hàng để xuất khẩu.
Giá cà phê đạt đỉnh nhưng không có hàng
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu năm 2023, diện tích đất trồng cà phê toàn tỉnh là hơn 212.912ha (chiếm đến 32,37% đất sản xuất nông nghiệp). Trong đó, tính riêng sản lượng cà phê lên đến hơn 550.000 tấn (tức chiếm 1/3 tổng sản lượng cả nước).
Niên vụ cà phê 2022-2023, Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị cà phê, đồng thời sẽ không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, đảm bảo thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 theo đúng tiến độ.
Hiện, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung đang dao động ở mức từ 65.000 đến 68.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tin vui đối với người nông dân đang bám trụ, khai thác nguồn lợi từ cây cà phê.
Ông Nguyễn Đình Viên - Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee (TP Buôn Ma Thuột) - nhận định: Hiện, cà phê đang cuối vụ nên dù doanh nghiệp có muốn thu mua cũng chẳng có hàng để lấy.
Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, ký hợp đồng bài bản. Nhưng bà con phải đảm bảo giao hàng đúng hẹn và chất lượng cà phê phải như cam kết. Công ty đang xuất khẩu cà phê chủ yếu sang thị trường châu Âu và Tây Á còn các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê thì đưa sang các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Lãnh đạo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đưa ra lý giải: Giá cà phê đang đạt mức giá kỷ lục là do năm 2023, loại nông sản này của Việt Nam mất mùa nên sản lượng giảm.
Bên cạnh đó, cà phê Robusta có giá cao hơn các năm trước, dẫn đến hàng tiêu thụ nhanh, sản lượng tồn kho của doanh nghiệp cạn hàng từ tháng 6.2023. Cà phê đang ở mức giá cao nhưng hầu như không có giao dịch vì doanh nghiệp, nông dân Việt Nam không còn hàng cung ứng.
Vẫn phải chú trọng chất lượng
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: Thị trường Brazil đang hạn chế bán hàng ra cho nên giá thành cà phê đang ở mức cao so với nhiều năm trước đây. Đây là thời điểm người dân được hưởng lợi.
Tuy nhiên, cần phải thận trọng nhìn nhận về giá bởi, thực tế sẽ rất khó duy trì giá cà phê như hiện nay khi mùa vụ mới bắt đầu cho đến khi thu hoạch. Nên bà con nông dân lẫn doanh nghiệp phải hết sức tỉnh táo vì các nhà dự trữ khi đến đợt cao điểm thu hoạch, phân phối cũng sẽ bán sản phẩm ra dẫn đến nguồn cung vượt cầu và khi đó giá thành giảm sẽ là chuyện hiển nhiên.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk kỳ vọng vụ mùa tới giá cà phê sẽ "neo" ở mức khoảng 50.000 đồng/kg.
Ngoài ra, bà con nông dân thấy trước tình hình cà phê được giá cũng đã có xu hướng chú trọng chăm sóc vườn cây để gia tăng sản lượng.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - cho biết: Vụ mùa tới, ước lượng giá trị thu mua cà phê của đơn vị sẽ có khoảng 105.000 tấn xuất khẩu với giá trị 230 triệu USD và 22.000 tấn nội địa, tổng doanh thu đạt khoảng 6.630 tỉ đồng.
Trong 10 năm tới, đơn vị phấn đấu có quy mô nhân sự từ 800 đến 1.000 người với mô hình tập đoàn nhưng sở hữu Nhà nước vẫn là chính... phấn đấu đạt doanh số 10.000 tỉ đồng/năm.
Đơn vị sẽ hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp phát triển vững mạnh, đa ngành, liên kết, hiệp lực tất cả đều thành công, phát triển Tây Nguyên tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xanh; qua đó, góp phần đưa Việt Nam là đất nước thịnh vượng, có vai trò then chốt trong chuỗi lương thực, thực phẩm của toàn cầu.
Trước tình hình giá cà phê đang tăng cao, ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - nhận định: Việc giá cà phê tăng cao sẽ tạo cú hích tinh thần cho người nông dân, lẫn doanh nghiệp trên địa bàn. Dù sao cà phê vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương và cho người nông dân thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống. Tuy vậy, với việc UBND TP Buôn Ma Thuột đang xây dựng đô thị thành "Thành phố Cà phê của Thế giới" nên đề nghị các doanh nghiệp, nông hộ phải đảm bảo uy tín, đảm bảo chất lượng cà phê của địa phương khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu tăng cao
Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, giá càphê thế giới phụ thuộc vào Việt Nam - nguồn cung lớn thứ hai toàn cầu. Song, Việt Nam mất mùa càphê khiến nguồn cung khan hiếm, giá đẩy lên cao.
Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, giá càphê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua nhưng xuất khẩu cà phê đến tháng 8 và tháng 9 đã hết hàng. Điều này dẫn đến lượng càphê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia, về vĩ mô có 2 nguyên nhân chính khiến giá càphê xuất khẩu tăng lên. Thứ nhất, báo cáo lạm phát Mỹ có phần chững lại và suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tạm ngừng tăng lãi suất. Đây là yếu tố thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường mua vào sau khi đã mạnh tay thanh lý trong hai tuần liên tiếp trước đó. Do đó, các quỹ và đầu cơ mua mạnh khi yếu tố tài chính tích cực hơn. Thêm vào đó việc thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến cà phê xuất khẩu tăng giá.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu lượng cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá 4,2 tỉ USD. Đây sẽ là mức kim ngạch kỷ lục mới của ngành cà phê.
Để đảm bảo giá cà phê duy trì ở mức cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt diện tích cà phê đặc sản chiếm 2% tổng diện tích, nghĩa là sản lượng ở mức 5.000 tấn và tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-phe-viet-nam-het-hang-xuat-khau-du-gia-len-cao-ky-luc.html