Ca sĩ đầu tiên đưa 'Gần lắm Trường Sa' vào lòng người

Bài hát Gần lắm Trường Sa ra đời, nổi tiếng đến nay tròn 40 năm và đã gắn liền với giọng ca đầu tiên hát bài hát ấy là nữ ca sĩ Anh Đào - Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Đăng. Theo tác giả bài hát - nhạc sĩ Hình Phước Long, Anh Đào đã truyền được 'cái thần' của bài hát đến với người nghe. Đó là bài hát không chỉ được nhiều người nhớ đến vào mỗi dịp 'giỗ lính Gạc Ma' mà đã nằm lòng với biết bao người khi nhớ đến Trường Sa.

Nhạc sĩ Hình Phước Long cho biết khi giao bài hát Gần lắm Trường Sa cho Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Đăng của tỉnh Phú Khánh (sau này tách ra thành hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa) thì ông đã trực tiếp tập luôn cho ca sĩ hát.

Truyền được “cái thần” của Gần lắm Trường Sa

Thành công của giọng ca Anh Đào là đã luôn lay động, cuốn hút người nghe ngay từ khi Gần lắm Trường Sa vừa ra đời và Anh Đào là ca sĩ đầu tiên được hát bài hát ấy. Anh Đào gần như đã trở thành “ca sĩ độc tôn” với bài hát Gần lắm Trường Sa suốt nhiều năm sau đó.

Nhờ chuyển được “cái thần” của bài hát do chính tác giả truyền đạt mà mỗi khi nghe phần nhạc dạo bản phối ban đầu, từ năm 1982, của Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Đăng tạo những âm thanh như tiếng sóng biển cùng giọng ca Anh Đào cất lên “Mỗi cánh thư về từ đảo xa anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi…” tràn đầy cảm xúc, ngọt lịm đã khiến người nghe cảm thấy Trường Sa vừa “lắm xa xôi…” lại vừa rất đỗi gần gũi, yêu thương trong lòng.

Ca sĩ Anh Đào. Ảnh: Phan Sông Ngân

Theo đó, hình ảnh của những người lính nơi biển đảo quê hương trong ca khúc Gần lắm Trường Sa qua tái hiện của giọng hát Anh Đào đã làm xúc động lắng sâu đến độ thổn thức, nhói tim bao người.

Cho đến giờ nghe lại Gần lắm Trường Sa với bản ghi âm cũ kể trên, người nghe nhận thấy rất rõ sự “bụp, xẹt” của trống, đàn thuở ấy nhưng cảm xúc với Trường Sa vẫn tràn đầy theo cùng giai điệu và giọng ca Anh Đào. Nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Giọng ca của Anh Đào mộc mạc, luyến láy. Anh Đào hát Gần lắm Trường Sa luôn xúc động, có cảm xúc thật sự, đầy đặn và thành công là ở chỗ đó”.

Đặt tên cháu nội để luôn nhớ gọi Trường Sa

Ca sĩ Anh Đào kể lại năm 1984 lần đầu tiên chị cùng đội văn nghệ xung kích - do chính nhạc sĩ Hình Phước Long làm đội trưởng - được tham gia đoàn công tác của tỉnh Phú Khánh ra thăm, biểu diễn phục vụ bộ đội ở các đảo Trường Sa. “Hát ở đảo nào, lần nào hát bài Gần lắm Trường Sa, dù vào ban ngày hay đêm, khi vừa hát, vừa nhìn các anh bộ đội trên đảo hay khi họ đứng vây quanh lắng nghe… cũng đều luôn thấy trong lòng mình xúc động vô cùng và hạnh phúc vô cùng. Khi ấy, nhìn thấy các anh bộ đội quá đỗi thân thương như ruột thịt yêu thương nhất của mình” - ca sĩ Anh Đào nói.

Lần thứ hai ca sĩ Anh Đào xung phong ra Trường Sa là vào năm 1988. Đó là những ngày Trường Sa và cả vùng biển đảo biên cương Tổ quốc vẫn còn đầy căng thẳng sau khi quân xâm lược Trung Quốc vừa sát hại 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma và chiếm đoạt luôn đảo này từ ngày 14.3.1988.

Lần ấy, dù không được cử đi nhưng chị đã lên Sở Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh gặp các cán bộ, lãnh đạo tỉnh để xin đăng ký được đi theo đoàn công tác của tỉnh ra lại Trường Sa.

Ngay trước ngày đoàn công tác đi Trường Sa vào Vùng IV Hải quân trên bán đảo Cam Ranh để chuẩn bị lên tàu ra đảo, Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh khi ấy là ông Bùi Hồng Thái đã đến tận nơi ở của Đoàn Hải Đăng để thăm hỏi.

Ca sĩ Anh Đào cùng bộ đội trên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, trong một lần đi phục vụ ở đảo cách đây mấy chục năm. Ảnh: TL

Vì là chỗ thân tình với cha mẹ Anh Đào trong kháng chiến nên ông Thái nói: “Cháu vừa mới đi Trường Sa năm 1984 rồi, hay là chuyến này hãy “nhường lại” cho người khác đi”. Thế nhưng, chị đã nói lại với ông: “Cháu làm ca sĩ cũng là chiến sĩ văn hóa nên lần này ngoài đó căng thẳng, ác liệt thì phải để cho cháu ra hát phục vụ các chiến sĩ, bộ đội Trường Sa chứ”.

Nghe cô cháu ca sĩ nói vậy ông Thái cũng đành thôi không “gợi ý, khuyên can” nữa và ông đã rút trong túi mình ra cho chị 100 ngàn đồng để cần mua gì khi đi Trường Sa thì mua. Đó là một khoản tiền lớn với Anh Đào khi ấy, vì lương của ca sĩ và nhiều người khác ở Đoàn Hải Đăng lúc đó chỉ khoảng 45 ngàn đồng mỗi tháng. Sau đó, Anh Đào đã chạy ngay ra chợ Đầm, TP. Nha Trang mua “bổ sung thêm quà” để đem ra tặng bộ đội Trường Sa.

Lần nào ra Trường Sa, ca sĩ Anh Đào cũng đem theo quà riêng, thường là cà phê, thuốc lá và xoài từ quê nhà chị ở xã Cam Hòa, huyện Cam Ranh (nay là huyện Cam Lâm) để tặng bộ đội như thế. Anh Đào đã được cán bộ, chiến sĩ các đảo ở Trường Sa đón nhận, xem như người nhà của lính đảo và là “ca sĩ của Trường Sa”.

Đến nay ca sĩ Anh Đào ra Trường Sa hát phục vụ bộ đội trên các đảo tổng cộng tới 5 lần.

Hôm gặp trên đảo Hòn Đỏ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa), ca sĩ Anh Đào mở điện thoại cho phóng viên xem để khoe ảnh cháu nội và chị kể: “Mình đã đặt tên cho đứa cháu nội này là Nguyễn Hoàng Trường Sa. Chữ Hoàng trong tên đó chính là Hoàng Sa gắn cùng với cái tên Trường Sa của đứa cháu nội sẽ luôn được nhắc gọi, nhớ thương trong lòng mình và người thân trong gia đình khi gọi tên con, cháu hàng ngày ở nhà. Sau này khi cháu lớn lên, đi làm hay đi đâu được người khác gọi tên thì cũng sẽ gọi Trường Sa” - ca sĩ Anh Đào giải thích.

Rồi chị cất giọng hát mộc điệp khúc “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Giọng ca vẫn ngọt ngào, da diết như một buổi sáng, vào khoảng 40 năm trước đây chính người viết bài này đã từng được nghe chị hát bài Gần lắm Trường Sa qua chiếc loa phát thanh trên đường Đá Bạc, gần bên ngoài cảng Ba Ngòi trên vùng vịnh Cam Ranh nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Đó cũng là vùng vịnh biển có cảng quân sự xuất phát những con tàu ra với Trường Sa.

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ca-si-dau-tien-dua-gan-lam-truong-sa-vao-long-nguoi-34300.html