Ca sĩ Lương Nguyệt Anh xúc động trước sự trưởng thành của học trò

Ca sĩ, Đại úy, Thạc sĩ Lương Nguyệt Anh chia sẻ, ngoài việc hát dòng nhạc dân gian, cô không thôi trăn trở với công tác đào tạo nên luôn nỗ lực tìm kiếm các phương pháp giảng dạy, phong cách biểu diễn mới cho dòng nhạc mình theo đuổi.

Trong lần hiếm hoi chia sẻ về tâm huyết đối với việc giảng dạy âm nhạc, Lương Nguyệt Anh tâm sự, qua việc hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, cô cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận thấy nhờ việc nghiên cứu mà học trò của mình trưởng thành nhanh hơn, kết quả học tập tốt hơn. Đối với người làm công tác đào tạo như cô, đó là phần thưởng quý giá nhất.

Cũng theo Lương Nguyệt Anh, những đề tài mà cô và giảng viên đồng nghiệp định hướng học trò của mình thực hiện đều mang tính ứng dụng cao, rất có ích đối với các em trên con đường học tập và phát triển trong tương lai. Trên thực tế, ca khúc âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc rất nhiều và đa dạng, công trình nghiên cứu mà cô và học trò thực hiện hy vọng sẽ góp sức vào việc khẳng định vẻ đẹp, tính lan tỏa và tìm kiếm hướng đi mới tươi trẻ, mới mẻ cho các ca khúc âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc trong đời sống âm nhạc đương đại. Chính vì vậy, chọn đề tài nghiên cứu khoa học nào để triển khai cũng đều là tâm huyết của Lương Nguyệt Anh và học trò nhằm tìm kiếm thêm những sáng tạo, những hướng đi mới trong biểu diễn và học tập đối với miền âm nhạc này. Đối với nữ ca sĩ, mỗi bước trưởng thành của học trò cũng là bước trưởng thành, phát triển của chính mình, là điều khiến cô vô cùng hãnh diện.

Trung sĩ Ngọc Trâm - Chủ nhiệm đề tài - biểu diễn ca khúc do chính mình sáng tác

Trung sĩ Ngọc Trâm - Chủ nhiệm đề tài - biểu diễn ca khúc do chính mình sáng tác

Nói thêm về lĩnh vực "người lái đò" âm nhạc, Lương Nguyệt Anh hào hứng chia sẻ, vừa qua tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã diễn ra chương trình biểu diễn đặc biệt nghiệm thu đề tài nghiên cứu Khoa học “Phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc”. Chủ nhiệm đề tài là Trung sĩ Bùi Thị Ngọc Trâm, lớp Trung cấp thanh nhạc H40, là học trò của Lương Nguyệt Anh. Lương Nguyệt Anh cùng Thiếu tá, Thạc sĩ Đỗ Phương Mai - Trưởng khoa Thanh nhạc của trường đã hết lòng trợ giúp học trò nghiên cứu khoa học, tìm kiếm những phương hướng, kiến giải mới trên con đường biểu diễn phục vụ công chúng và góp sức phát triển lĩnh vực đào tạo thanh nhạc của nhà trường.

Chương trình có sự tham gia của những tên tuổi đã trưởng thành từ mái trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và thành danh như: Sèn Hoàng Mỹ Lam (Quán quân dòng nhạc dân gian "Sao Mai 2017", Quách Mai Thy (Quán quân dòng nhạc dân gian "Sao Mai 2019"), Minh Hằng (Quán quân cuộc thi "Tiếng hát Hà Nội 2022"), ca sĩ Minh Đức…và các học viên múa, thanh nhạc tiêu biểu đang học tập tại trường.

Bám sát đề tài nghiên cứu, các tiết mục biểu diễn cho người xem thấy được không gian rộng mở và quyến rũ của âm nhạc âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc, từ đây đem đến nhiều phong cách biểu diễn hiện đại nhưng vẫn giữ vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của các tác phẩm.

Đặc biệt, chương trình lần đầu biểu diễn một số tác phẩm âm hưởng dân gian Tây Bắc, ca ngợi vẻ đẹp Tây Bắc mới được sáng tác bởi chính các học viên của trường như: ca khúc “Miền hoa ban” do (Ngọc Trâm), “Về Tiên Yên Nghe Câu Soóng Cọ” (Bùi Tuấn Ngọc)...Sự tham gia vào lĩnh vực sáng tác các ca khúc âm hưởng dân gian Tây Bắc của các bạn trẻ cho thấy sự hấp dẫn và tính khả thi trong việc nối dài, phát triển của miền âm nhạc này ở tương lai.

NSND Thanh Ngoan và NSND Hà Thùy

NSND Thanh Ngoan và NSND Hà Thùy

Tham dự buổi biểu diễn cổ vũ hoạt động của trường còn có nhiều tên tuổi nổi tiếng như: NSND Thanh Ngoan, NSND Hà Thủy, NSND Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Tiến sĩ NSƯT Tân Nhàn - Tân Trưởng Khoa Thanh nhạc cỉa Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam…

Các nghệ sĩ đều ủng hộ hướng đi với tính ứng dụng cao của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong công tác giảng dạy và biểu diễn. NSND Hà Thủy đánh giá: “Có thể thấy trong giới hạn của đề tài các em trẻ đã mang đến hơi thở mới cho nét dân gian, dù chỉ là một mảng khái quát về dân gian miền núi phía Bắc, nhưng gợi mở cho người nghe và người làm dân gian thấy rằng dân gian chính là hồn cốt của đất nước”.

Đại tá Vũ Hồ Tùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Đại tá Vũ Hồ Tùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Đại tá Vũ Hồ Tùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu cho biết, hiện nay nhà trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên. Từ đây trường tham gia vào nhiều đề tài cấp Bộ rất thành công, tính ứng dụng rất rõ rệt.

Thông thường khi nghiên cứu đề tài khoa học, người ta sẽ nghĩ đến cấp Đại học trở lên, nhưng nhà trường đã khuyến khích học sinh từ cấp Trung cấp trở lên tham gia nghiên cứu, và hiệu quả cho thấy là ứng dụng rất sâu vào việc học tập của học viên. Cũng theo Phó Hiệu trưởng, hình thức thực hành biểu diễn và nghiên cứu khoa học là hai thế mạnh lớn của nhà trường, đem lại tự hào cho nhà trường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ca-si-luong-nguyet-anh-xuc-dong-truoc-su-truong-thanh-cua-hoc-tro-post576473.antd