Ca sĩ Nhật Kim Anh được quyền nuôi con
Tòa cho rằng Nhật Kim Anh có điều kiện chăm sóc con chung hơn so với chồng cũ nên được quyền trực tiếp nuôi.
Ngày 23-3, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã tuyên án vụ kiện tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa nguyên đơn là bà Đỗ Thị Kim Huê (tức ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh) và bị đơn là ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc. Theo đó, tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huê, giao con chung giữa bà và ông Lộc cho bà Huê trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
Tòa xét xử vắng mặt bị đơn
Trước đó, tòa quận đã đưa vụ án ra xét xử vào chiều 20-3 nhưng vắng mặt bị đơn và hai luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn.
Bà Huê trình bày trong đơn khởi kiện, bà và ông Lộc trước đây là vợ chồng, có đăng ký kết hôn. Quá trình sống chung, ông bà có một con chung sinh năm 2015. Sau đó, vì mâu thuẫn nên ông bà đã ly hôn, bà Huê đã tự nguyên giao con chung cho ông Lộc trực tiếp chăm sóc.
Tuy nhiên, bà không được chồng cũ tạo điều kiện cho thăm, gặp con khi bà có yêu cầu. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con từ người trực tiếp nuôi dưỡng là ông Lộc sang cho bà.
HĐXX nhận định về tố tụng, một luật sư của bị đơn nhờ luật sư khác mang đơn xin hoãn xử tới tòa với lý do đã xuất cảnh ngày 2-3, sau ngày 22-3 mới về Việt Nam. Tuy nhiên, người nộp đơn không phải là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự nên không có tư cách xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đơn xin hoãn phiên tòa không cung cấp chứng cứ luật sư này đã xuất cảnh từ ngày 2-3 nên HĐXX không có cơ sở xem xét đơn.
Tại tòa, đại diện VKS căn cứ vào đơn xin hoãn phiên tòa của bị đơn đề nghị HĐXX hoãn phiên xử. Hai lý do xin hoãn của bị đơn là luật sư đi nước ngoài và TAND Tối cao có Chỉ thị 02 có nội dung tòa tạm dừng xét xử để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo HĐXX, bị đơn nêu luật sư xuất cảnh 4-3, trong khi đơn của luật sư nêu xuất cảnh ngày 2-3 là không trùng khớp nhau. Ngoài ra, bị đơn cũng không cung cấp chứng cứ về việc xuất cảnh của luật sư.
Về Chỉ thị 02 của TAND Tối cao phát hành ngày 10-3, trong khi quyết định đưa vụ án ra xét xử là ngày 5-3, vụ án được thụ lý vào tháng 8-2019 đến ngày xét xử là đã quá hạn. Từ ngày có quyết định xét xử vụ án lần đầu tiên đã hoãn nhiều lần vì nhiều lý do khác nhau. Nguyên đơn có đơn yêu cầu xét xử sớm. Bị đơn có đơn xin hoãn xử nhiều lần với nhiều lý do khác nhau.
Đồng thời, TAND quận Ninh Kiều đã có nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như xịt khử trùng phòng xét xử, đo thân nhiệt, yêu cầu đương sự đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. TAND quận đã thực hiện theo đúng quy định của Chỉ thị 02/2020 của chánh án TAND Tối cao về phòng, chống dịch nên không có căn cứ xét đơn đề nghị hoãn phiên tòa của bị đơn.
Bị đơn và hai luật sư được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng không đến tòa để tham dự phiên tòa, không có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do bất khả kháng. Từ đó, tòa cho rằng đơn yêu cầu hoãn phiên tòa của bị đơn và hai luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn là không có cơ sở.
Nguyên đơn có điều kiện nuôi con hơn
Về nội dung, tòa nhận định quyết định ly hôn năm 2018 ghi nhận tự nguyện của bà Huê về việc ông Lộc trực tiếp nuôi con. Nguyên đơn cho rằng năm 2019, ông Lộc có hành vi cản trở việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung của bà. Còn ông Lộc thì cho rằng sau khi ly hôn thì ông luôn tạo điều kiện cho bà được thăm nom, chăm sóc con chung.
Tòa cho rằng cháu bé chưa đủ bảy tuổi nên không thể ghi ý kiến của cháu, tòa căn cứ vào các chứng cứ, lời khai của các bên để xem xét. Theo đó, nguyên đơn đã cung cấp các vi bằng để chứng minh cho việc ông Lộc không cho bà đến thăm con, đưa con đi chơi, chăm sóc con theo quy định.
Trong khi đó, ông Lộc cho rằng lý do bà Huê không được thăm con vì cháu Long có tiền sử bị co giật, tình hình sức khỏe cháu không tốt nên không cho bà Huê thăm chứ không cản trở…
HĐXX nhận định việc ông Lộc nêu lý do với bà Huê không giống như lời khai ông cung cấp cho tòa là luôn tạo điều kiện. Việc ông Lộc cản trở bà Huê thăm nom, chăm sóc, giáo dục con là vi phạm khoản 3 Điều 82 và khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Lộc cho rằng từ khi ly hôn vẫn chăm sóc con tốt nhưng bị đơn không cung cấp chứng cứ cho lời trình bày này. Mặc dù được chăm sóc nhưng ông Lộc không đảm bảo sức khỏe cho con như cháu thường xuyên đau ốm, bị bệnh tật.
Mặt khác, hiện nay cháu bé còn nhỏ, chưa thể tự chăm sóc bản thân. Cháu đang ở tuổi tìm hiểu thế giới xung quanh nên cần được trông nom, chăm sóc giáo dục để phát triển tốt cả thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Tại phiên tòa, bà Huê xác định hiện nay kinh tế đã ổn định, nếu được quyền trực tiếp nuôi con bà sẽ ngưng tham gia các hoạt động ca hát, ngưng đóng phim để dành thời gian chăm sóc con. Bà sẽ tạo mọi điều kiện cho ông Lộc và gia đình chăm sóc, giáo dục con chung…
Về điều kiện kinh tế, nguyên đơn có chỗ ở ổn định, có hai căn hộ, làm chủ một số doanh nghiệp. Phía bị đơn không cung cấp giấy tờ thể hiện có tài sản riêng, chỉ thể hiện thu nhập hằng tháng 9 triệu đồng, sống chung với cha mẹ…
HĐXX cho rằng từ các phân tích trên cho thấy bà Huê có đầy đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con chung hơn so với ông Lộc. Mặt khác, tòa đã triệu tập nhiều lần nhưng ông Lộc vắng mặt cho thấy ông đã từ bỏ quyền lợi của mình.
Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung của nguyên đơn, quyết định giao cháu bé con chung của ông Lộc, bà Huê cho bà Huê trực tiếp chăm sóc. Bà Huê không yêu cầu bị đơn cấp dưỡng nuôi con chung.
VKS nhận định gì?
Tại tòa, đại diện VKS nhận định do bà Huê là ca sĩ đi lưu diễn nhiều nơi nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé không đảm bảo. Nhưng phần nhận định, HĐXX cho rằng theo các tài liệu thu thập cho thấy thời điểm bà Huê đi nước ngoài bà chưa được quyền trực tiếp nuôi con chung. Lúc đó bà phải lao động kiếm tiền để trang trải cuộc sống, nhằm có điều kiện tốt nhất để chăm lo, chăm sóc cho con sau này. Được làm mẹ là quyền thiêng liêng của người phụ nữ. Thực tế có nhiều ca sĩ, diễn viên vẫn chăm sóc tốt cho con mình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ca-si-nhat-kim-anh-duoc-quyen-nuoi-con-899248.html