Cả tin và thiếu hiểu biết

Cháu bé 3 tuổi quê Thừa Thiên - Huế được cha mẹ gửi vào Bảo Lộc để chữa bệnh 'chậm phát triển trí tuệ', sau đó gia đình nhận về một hũ tro cốt.

Câu chuyện về một cháu bé 3 tuổi quê Thừa Thiên - Huế được cha mẹ gửi vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) để chữa bệnh “chậm phát triển trí tuệ”, sau đó gia đình nhận về một hũ tro cốt làm dấy lên nỗi xót thương cho thân phận kém may mắn ở đời lại vừa khơi gợi chút trách cứ về sự kém hiểu biết dẫn đến bi kịch.

Nghe đồn thổi thế nào về một ông thầy chuyên chữa bệnh chậm phát triển về trí tuệ lẫn thể chất cho những cháu kém may mắn, một người cha ở Thừa Thiên - Huế đã không đắn đo gì khi lặn lội vào tận Đà Lạt - nơi “ông thầy” kia cho địa điểm hẹn gặp để bàn bạc nội dung điều trị rồi nhanh chóng đi đến thống nhất các điều khoản giữa hai bên.

Theo đó, cha đứa bé phải chịu một khoản chi phí lên đến 200 triệu mỗi tháng để “ông thầy” nọ cùng ê-kíp của mình chữa bệnh cho cháu. Trước tiên, người cha phải đưa trước 600 triệu đồng, sau đó sẽ chuyển hàng tháng.

Theo “ông thầy”, để đứa trẻ phát triển bình thường, việc điều trị sẽ kéo dài 2 - 3 năm, tùy tình hình diễn biến của bệnh nhân. Người cha đã chuyển ngay cho “ông thầy” 600 triệu đồng, sau đó là giao đứa trẻ cho “thầy”.

Nhìn vào bản hợp đồng với “giá trị” tính bằng tiền như thế, phải nói ngay là, gia đình đứa trẻ này rất “có điều kiện”. Vì mỗi năm gia đình phải chuyển cho “thầy” 2,4 tỉ, mà đâu phải chữa một năm là khỏi mà những 2 - 3 năm. Cha mẹ cháu bé sẽ phải tốn số tiền rất lớn mà hiệu quả của việc điều trị thì không có gì được đảm bảo cả.

Theo lời khai của cha đứa trẻ, thì ông thầy tên Q. này “du học ở Anh về”, và “chuyên điều trị cho trẻ bị khuyết tật”. Không biết “thầy” nói thế nào mà đến một người như cha của đứa bé, giàu có là vậy nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối, vừa trao một khoản tiền rất lớn, vừa giao luôn núm ruột mình đẻ ra cho ông ta như vậy thì cũng thật khó hiểu. Nhất là “ông thầy” ấy, đôi chân không thể đi lại bình thường mà phải dùng nạng nhưng theo ông ta thì có thể “hô mưa gọi gió” được!

Đứa bé được đưa về một căn nhà thuê ở Bảo Lộc - địa điểm mà cơ quan chức năng địa phương không hề biết đó là “nơi điều trị bệnh chậm phát triển ở trẻ em” như lời ông Q. đã nói với cha đứa bé. Sau hai lần test Covid-19 cho đứa bé, “thầy” thông báo là cháu bị Covid-19 và đang điều trị, rồi “cháu đã qua khỏi Covid-19 và đang tăng cân”.

Người cha chưa kịp vui mừng trước bệnh tình của con mình diễn biến tốt như thế thì ngay sau đó ông nhận hung tin: Cháu đã bị chết do Covid-19 và chuẩn bị nhận hũ đựng tro cốt! Theo lời khai của “thầy”, sau khi cháu bé qua đời, ông cùng “người giúp việc” đưa thi thể cháu về Đắk Lắk và “hỏa táng”. Sự thực thì ông ta đã đốt xác đưa bé trong một thùng sắt, sau đó bỏ tro cốt vào thùng các tông trước khi đưa thi hài cháu về Huế giao cho gia đình.

Công an đang điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé. Cứ cho là cháu bị chết vì Covid-19 đi, nhưng việc giao con mình cho một người mà nhân thân của ông ta rất tù mù như thế, lại tốn kém như thế, liệu có nên không?

Cần phải hiểu rằng, tự kỷ ở trẻ là một căn bệnh rất khó chữa, kể cả những bệnh thiểu năng hoặc chậm phát triển cũng là những bệnh đòi hỏi một phương pháp khoa học và sự kiên trì. Trong đó, sự đồng hành của cha mẹ đứa trẻ là vô cùng quan trọng chứ không thể phó thác cho “thầy” như chữa các bệnh thông thường khác.

Cháu bé đã bị chết oan vì sự cả tin và thiếu hiểu biết của cha mẹ. Thật đáng tiếc và cũng thật đáng trách vậy.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-tin-va-thieu-hieu-biet-post608256.html