Cá tính nghệ sĩ trẻ 3 miền
Đến hẹn lại lên, triển lãm Young Vietnamese Artist – Nghệ sĩ trẻ Việt Nam 2020 chính thức khai mạc, đánh dấu cuộc tụ hội lớn nhất trong năm của các thành viên CLB Nghệ sĩ trẻ Việt Nam.
Hành trình thể nghiệm
Tiếp nối thành công từ các triển lãm trước đây của CLB Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, cuộc chơi lần này tiếp tục quy tụ những gương mặt trẻ tài năng của ba miền Bắc Trung Nam đang hoạt động nghệ thuật say mê, sôi nổi. Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm của 29 tác giả với những gương mặt như: Bùi Quốc Khánh, Bùi Thanh Tâm, Đỗ Hiệp, Đỗ Thanh Lãng, Hoàng Mai Thiệp, Hoàng Nam Việt, Lê Anh Vũ, Lương Đức Hùng... góp phần phản ánh bức tranh toàn cảnh đa dạng của mỹ thuật trẻ Việt Nam hiện nay.
Có những gương mặt quen thuộc từ các kỳ trước như Trịnh Minh Tiến, Đỗ Hiệp, Thái Nhật Minh, An Trần, Nguyễn Thế Hùng, Lương Trịnh… và cả những gương mặt “mới toe” như Triệu Minh Hải, Nguyễn Văn Đủ, Bùi Thanh Tâm, Lê Thế Lan, Vũ Bình Minh... Mới là mới lần đầu tham gia triển lãm CLB Nghệ sĩ trẻ, còn về hoạt động nghề thì đây đều là những cái tên “có số có má” trong lứa nghệ sĩ 8X.
Lần đầu tham gia triển lãm của CLB, họa sĩ Nguyễn Văn Đủ (TP.HCM) mang đến những tác phẩm thuộc dự án “Lò mổ” và “Những lớp máu” của anh. Những bức tranh không chỉ ám ảnh người xem với khung cảnh lạnh lẽo, ghê rợn của một lò mổ mà còn gây ấn tượng khi được vẽ chính bằng máu bò. “Chuyến thăm đầu tiên của tôi đến một lò mổ bò là gần thành phố Hồ Chí Minh vài năm trước. Sự pha trộn giữa vẻ đẹp và bạo lực mà tôi chứng kiến thật hấp dẫn. Tôi quan sát và cảm nghiệm một phần nào đó những câu chuyện về sự sống và cái chết, về sức mạnh và sự đau đớn. Điều đó cũng khiến tôi liên tưởng và tìm hiểu thêm những câu chuyện thời xa xưa, khi con người ta bắt đầu sử dụng máu cho mục đích vẽ (tranh hang động), hay ở Anh thế kỷ XVII người ta cũng đã biết dùng máu bò để chế bột màu vẽ”, Nguyễn Văn Đủ chia sẻ ý tưởng xung quanh tác phẩm của mình.
Với các họa sĩ là hội viên lâu năm của CLB Nghệ sĩ trẻ, sau 5 năm, cũng đều đã bước vào độ chín của tuổi tác cũng như chất lượng tác phẩm. Sâu sắc hơn, chiêm nghiệm hơn.
Hình tượng cánh chim vốn là đề tài quen thuộc trong nhiều triển lãm của Thái Nhật Minh. Tuy nhiên, ở cuộc này, nghệ sĩ họ Thái mang đến 2 tác phẩm vẫn là chất liệu giấy bồi nhưng với phong cách tạo hình hoàn toàn mới. Ở triển lãm lần trước, Trịnh Minh Tiến gắn bó với bề mặt toan, nhưng giờ, anh tự tin, phóng khoáng vẽ trên nắp capo ô tô. Câu chuyện cũng thời đại hơn, ẩn ý về những thay đổi đời sống dưới sự tác động của công nghiệp hóa. Phạm Huy Thông cũng mạnh dạn khoe những thử nghiệm khi chuyển sang đề tài phụ nữ. Nguyễn Thế Dung chuyên vẽ bò, nhưng năm nay lại vẽ tĩnh vật mang tính siêu thực để chuyển tải câu chuyện đời sống.
Tranh của Trương Thế Linh dù vẫn giữ nguyên hình tượng quả táo đỏ, nhưng sự lầm lì trong tác phẩm cách đây 5 năm đã được thay thế bằng vẻ mềm mại, thanh thoát. Trước đây anh vẽ acrylic, tranh có hơi hướng của biểu hiện, nay thử sức với sơn dầu, lại có hơi hướng hàn lâm hơn, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực trong tranh cổ điển. Thế Linh theo đuổi đề tài về đức tin của người phụ nữ trong hôn nhân, cuộc sống, công việc. “Tôi làm nghệ thuật với ý niệm thể hiện nội tâm con người. Đó là đề tài luôn khiến tôi thấy trăn trở và day dứt nhất. Tôi vẽ về phụ nữ mới hơn 10 bức, trước đó đều là nam, nên có thể nói, cuộc này vừa đánh dấu thay đổi phong cách vẽ, vừa thay đổi nhân vật, câu chuyện thể hiện”, họa sĩ người Huế cho biết.
Gắn bó với điêu khắc gần 10 năm, nghệ sĩ Nguyễn An mang đến 2 tác phẩm điêu khắc gỗ, đinh và búa. Trông thì có vẻ gai góc nhưng tác phẩm lại có tính tương tác cao khi xoay và chuyển động mềm mại. “Đây là 2 trong chùm 20 tác phẩm tôi làm trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, lấy cảm hứng tạo hình từ con virus. Tác phẩm không có tên mà chỉ là vài chữ cái được bốc thăm ngẫu nhiên, vì không muốn bị ràng buộc bởi tên gọi”, Nguyễn An chia sẻ.
Đỗ Hiệp được bạn bè đặt cho biệt danh Hiệp “Tiên”, bởi đó là đề tài bao năm nay anh vẫn theo đuổi. Hiệp vẽ nhiều trên toan. Nhưng lần này, anh tìm tòi, thử nghiệm chất liệu mới như khảm trai, sơn mài và đưa lên cây đàn tranh. “Tôi muốn mượn chất liệu truyền thống của các cụ ngày xưa để kể những câu chuyện bây giờ. Các tác phẩm xoáy sâu vào tâm trạng nhiều hơn. Với tôi, điều quan trọng nhất chính là cảm giác thoải mái, bay bổng với nghệ thuật, tự do”, Hiệp “Tiên” thổ lộ.
Khởi đầu chu kỳ mới
CLB Nghệ sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ Thuật Việt Nam được thành lập trong thập niên 90 của thế kỉ trước, là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, hoạt động hăng hái, có đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam. Cuộc hội ngộ lần này được xem là sự kiện khởi đầu cho một chu kì sôi nổi, năng động, đầy cảm hứng sáng tạo tiếp theo cho các nghệ sĩ trẻ. “Thông qua triển lãm, CLB mong muốn góp phần thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật đương đại, kích thích sự tìm hiểu và khám phá những phong cách sáng tác, thể loại thử nghiệm mới. Để công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước thấy được một góc nhìn tương đối đầy đủ và sâu sắc về một thế hệ nghệ sĩ đang giàu năng lượng, cởi mở và khát khao”, Chủ tịch CLB Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết.
Anh cũng chia sẻ: “Điểm đặc biệt ở triển lãm lần này là thu hút được sự hỗ trợ, quan tâm của các đối tác như Indochine Art, Flamingo Holding, Art In The Forest hay sự giúp đỡ của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. Đây là một điều ít thấy ở các triển lãm trẻ, vốn dĩ xưa nay vẫn hoạt động nhờ vào các nguồn quỹ chuyên về nghệ thuật. Khi mà các quỹ đang cạn dần thì sự xuất hiện của các nhà tài trợ và cá nhân là điều rất cần thiết để cổ vũ, nâng đỡ và chắp cánh ước mơ cho các nghệ sĩ trẻ”.
Triển lãm Nghệ sĩ trẻ Việt Nam kéo dài đến hết ngày 4-7-2020, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ca-tinh-nghe-si-tre-3-mien-1679592.tpo