Cá vẹt được dân mạng Việt bảo vệ có thể cứu đại dương?
Cá vẹt có nhiều lợi ích cho đại dương như ăn tảo trên san hô hay thải ra khoáng chất. Tuy nhiên, loài cá này đang bị đánh bắt nhiều để chế biến thành thực phẩm.
Cá vẹt đang là chủ đề bàn tán của cộng đồng mạng những ngày gần đây. Ngày 7/6, Save Côn Đảo, một tổ chức bảo tồn thiên nhiên, đăng tải bài viết "Cứu cá vẹt là cứu biển". Tổ chức này kêu gọi dừng việc tiêu thụ cá vẹt cũng như các loài động vật biển có nguồn gốc tự nhiên. Lý do được đưa ra là những bữa ăn "tự nhiên" có thể hủy hoại cả một hệ sinh thái.
Trang này cũng nhấn mạnh cá vẹt có thể ăn nhưng là nguồn thực phẩm không quá lớn. "Xin hãy tha cho chúng, đại dương cần cá vẹt để tái sinh", tổ chức này viết.
Loài cá này ở Việt Nam còn được biết đến với tên cá mó. Chúng được bán ngoài chợ hoặc các nhà hàng hải sản với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Thông thường, loại này thường được chế biến bằng cách hấp hành, chiên, nướng...
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh đây là cá vẹt có ảnh hưởng tích cực đến đại dương, đặc biệt trong việc khôi phục rạn san hô.
National Geographic (NatGeo), tạp chí chuyên về khoa học, lịch sử, thiên nhiên của Mỹ, từng đăng tải bài viết "Muốn bảo vệ rạn san hô, hãy bắt đầu từ việc bảo vệ cá vẹt". Bài viết được thực hiện bởi Ayana Elizabeth Johnson, một nhà sinh vật học biển.
Theo Johnson, rạn san hô là một hệ sinh thái phức tạp. Tuy nhiên, việc bảo tồn chúng không khó như nhiều người tưởng tượng. "Đừng đánh bắt cá nhanh hơn tốc độ sinh sản của chúng, giảm CO2 trong khí quyển và thành lập những khu vực bảo tồn thiên nhiên biển", cô viết trên NatGeo.
Dựa trên các phân tích, Johnson kết luận bảo vệ cá vẹt là nhiệm vụ hàng đầu nếu muốn bảo vệ các rạn san hô. Loài cá màu mè này có đặc tính phàm ăn. Chúng dành tới 90% thời gian trong ngày để ăn tảo hoặc san hô chết. Sau khi dùng bữa, chúng thải ra cát trắng mịn. Trung bình, mỗi con cá vẹt có thể thải tới 320 kg cát/năm. Đây là nguồn khoáng chất quan trọng để san hô hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá vẹt quá mức khiến tảo xuất hiện nhiều trên các rạn san hô. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đại dương và cảnh quan của vùng nước. Ở chiều ngược lại, các nghiên cứu cũng chỉ ra những khu vực có nhiều cá vẹt sinh sống là nơi san hô phát triển mạnh, khỏe nhất.
"Bảo vệ rạn san hô đơn giản hơn nhiều so với việc chống biến đổi khí hậu. Công việc này không yêu cầu sự hợp tác toàn cầu mà có thể thực hiện ngay ở các địa phương. Tảo cản trở san hô phát triển nên cần nhiều loại động vật như cá vẹt để giúp chúng phục hồi", Johnson chia sẻ.
Barbuda, một hòn đảo phía đông Caribbean, đã ra lệnh ngăn chặn khai thác cá vẹt, đồng thời cấm sử dụng lưới trên các rạn san hô. Trên thế giới, các phong trào gây quỹ, xin chữ ký để chấm dứt việc đánh bắt cá vẹt đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phong trào này mới bắt đầu nổi lên gần đây.
Nhiều nhà hàng Việt Nam giới thiệu những tác dụng lớn của cá vẹt với rạn san hô như "ăn tảo, thải cát" nhưng vẫn chào bán loại cá này. "Cá mó nhiều thịt, ngọt, béo, phù hợp với thể trạng nhiều người. Đầu cá là phần ngon nhất. Cá mó có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, kho, sốt rau cần...", một nhà hàng chuyên cung cấp hải sản Côn Đảo chia sẻ trên mạng.