Cá voi mắc cạn hàng loạt có thể vì NATO tập trận
Giới khoa học đặt giả thuyết các cuộc tập trận sử dụng sonar - phương pháp lan truyền âm thanh dưới nước để phát hiện tàu ngầm - có thể làm cá voi mất phương hướng và mắc cạn.
Việc cá voi mũi chai (bottlenose) - thuộc họ cá voi mõm khoằm (beaked) - hiếm khi xảy ra, nhưng gần đây việc đó lại xảy ra liên tục, tại cùng một khu vực, dẫn đến giả thiết chúng đều được gây nên bởi một nguyên nhân.
Theo Guardian, một loạt vụ cá voi mũi chai mắc cạn dọc bờ biển phía bắc châu Âu có thể đến từ một cuộc tập trận quân sự sử dụng hệ thống sonar - phương pháp lan truyền sóng âm thanh dưới nước để phát hiện tàu ngầm hoặc các thực thể khác.
Những cái chết bất thường
Mọi chuyện bắt đầu cách đây hai tuần khi người ta nhìn thấy 2 con cá voi mũi chai ở Biển Bắc (vùng biển nằm giữa Anh và Đan Mạch, ngoài khơi Đức). Sau đó 7 con khác mắc cạn ở bờ biển Ireland. Trong số này chỉ có 1 con được đưa trở lại biển an toàn, 6 con kia đã chết.
Tuần qua, 11 con nữa mắc cạn ở quần đảo Faroe - vùng lãnh thổ thuộc Na Uy nằm giữa Anh và Iceland. Năm con trong số này đã bị người dân trên đảo xẻ thịt.
Đến ngày 21/8, hai con cá voi mõm khoằm cũng được nhìn thấy gần bờ biển phía nam Hà Lan, và 3 con khác mắc cạn gần Greenock, Scotland. Hôm 23/8, một con cá voi mõm khoằm Sowerby cái mắc cạn ở gần cảng Portsmouth ở Anh và chết ngay sau đó. Trong vòng 10 ngày qua cũng có ít nhất 3 con Sowerby mắc cạn ở Hà Lan, Bỉ và Anh.
Hai chuyên gia Rob Deaville và Matt Perkins đến từ Chương trình Điều tra Động vật có vú Biển Mắc cạn của Hiệp hội Động vật học London, cho biết xem xét sơ bộ cho thấy con cá voi mắc cạn ở Lowestoft không có dấu hiệu bị giảm áp, và họ sẽ tiếp tục điều tra vụ mắc cạn ở Portsmouth.
Có tổng cộng 29 con cá voi mõm khoằm đã mắc cạn dọc các vùng biển ở phía bắc châu Âu trong 2 tuần qua.
Những con cá voi này thường sống ở vùng nước sâu của đại dương và sự xuất hiện của chúng ở vùng nước nông ven biển là rất hiếm gặp. Thường thì chúng sẽ chết ngay sau đó vì không thể kiếm ăn ở nơi nước nông như vậy. Cá voi mõm khoằm cần ăn mực và cá để sống sót.
Có nhiều giả thuyết về việc tại sao những vụ mắc cạn liên tục xảy ra. Thời tiết có thể là một yếu tố vì vùng Biển Bắc trong thời gian gần đây có biển động. Nhưng rõ ràng có điều gì đó khiến những con cá voi này đi vào vùng biển nông. Có thể là khả năng điều hướng của chúng bị tác động.
Một loạt vụ mắc cạn của 30 con cá nhà táng ở vùng Biển Bắc năm 2016 được cho có liên quan các cơn bão mặt trời bất thường vào năm đó.
Có phải sự trùng hợp?
Mặc dù vậy, một loạt các bài báo khoa học chỉ ra rằng việc sử dụng sonar quân sự và khảo sát địa chất để tìm dầu khí dưới đại dương có thể là nguyên nhân khiến cá voi mắc cạn. Hồi tháng 2, một nghiên cứu của Australia kết luận có "mối liên hệ chặt chẽ" giữa các cuộc tập trận quân sự sử dụng sonar chống ngầm tần số trung và việc mắc cạn của cá voi mũi chai.
Các nhà khoa học cho rằng sóng siêu âm có thể khiến những con vật này nổi lên mặt nước quá nhanh, thay đổi áp suất đột ngột khiến chúng bị tổn thương thần kinh, mê man. Điều tương tự cũng xảy ra với con người khi lặn biển và nổi lên quá nhanh.
Đầu mùa hè này, Dynamic Mongoose - một cuộc tập trận chống ngầm quy mô lớn của NATO - đã được tổ chức ngoài khơi bờ biển Iceland. Mặc dù các hoạt động quân sự đã kết thúc từ ngày 10/7, giới bảo tồn lo ngại rằng hậu quả bây giờ mới xuất hiện, thông qua các vụ mắc cạn cá voi trong hai tuần qua.
"Rất có thể những vụ cá voi mắc cạn được ghi nhận hôm nay là hậu quả trực tiếp của việc sử dụng sonar quân sự. Nếu vậy, những con cá voi mũi chai mà chúng ta thấy trôi dạt vào bờ biển có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", ông Jeroen Hoekendijk, nhà nghiên cứu cá voi người Hà Lan, bình luận.
Cá voi mũi chai thuộc họ cá voi mõm khoằm (ziphiidae) - loài động vật có vú biển được cho là bí ẩn nhất. Chúng là loài lặn sâu nhất trong lớp cá voi. Cá voi Cuvier có thể lặn xuống độ sâu 3.000 m và ở dưới đó trong 2 giờ để săn mực - con mồi ưa thích của chúng.
Ở độ sâu này, ánh sáng Mặt Trời không thể tiếp cận và những con cá voi mõm khoằm sử dụng sonar tự nhiên để xác định phương hướng và tìm kiếm con mồi. Hệ thống sonar tự nhiên cũng khiến chúng trở nên nhạy cảm với các nhiễu động âm thanh gây ra bởi sự kiện tự nhiên như động đất dưới đáy biển.
Vì thường sống ở sâu nên chúng rất ít khi được nhìn thấy và nghiên cứu kỹ càng. Giới bảo tồn cũng không thể thống kê số lượng các loài cá voi mõm khoằm và chúng đều được xếp vào nhóm "dễ bị tổn thương".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-voi-mac-can-hang-loat-co-the-vi-nato-tap-tran-post1123934.html