CAB - 'mắt xích' quan trọng cải thiện chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) được xem là một sáng kiến quan trọng để cải thiện chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới việc đặt khách hàng làm trung tâm…
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ chức BIDMC tổ chức Hội thảo "Tăng cường xây dựng năng lực cho cán bộ y tế và nhóm Cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ Phòng, chống HIV/AIDS" với sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, gây trở ngại cho việc hiểu rõ hơn những vấn đề mà khách hàng đang đối mặt, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Đặc biệt, việc cung cấp PrEP cho khách hàng dưới 18 tuổi cũng đang gặp nhiều thách thức.
Hoạt động CAB chủ yếu dựa vào các tổ chức cộng đồng. Thành viên của CAB có thể là người sử dụng dịch vụ, người có HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV, các nhóm cộng đồng đích… nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều trị PrEP; là người đại diện khách hàng phản hồi ý kiến cho người cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các phòng khám. Đây là lực lượng rất quan trọng, đóp góp vào việc cải thiện dịch vụ liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã chính thức triển khai Mô hình CAB (Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS) thông qua việc Ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS ngày 13/10/2021, hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, dưới sự hỗ trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS.
Tại Hội thảo, bà Aisa Nguyễn, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong triển khai mô hình CAB. Việc triển khai mô hình CAB giúp kiểm soát dịch HIV và thu hẹp khoảng cách trong các khâu xét nghiệm HIV, tiếp cận điều trị và đạt được mục tiêu ức chế virus cho phần lớn người nhiễm HIV. Mô hình CAB không chỉ là một chiến lược mà còn là cấu phần cốt lõi lấy con người làm trung tâm, qua đó sẽ thu hút được sự tham gia của cộng đồng.
CAB là một mô hình hiệu quả, giúp thu hẹp các khoảng trống trong chương trình chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực HIV. Thành công của mô hình này dựa trên sự hỗ trợ từ các đơn vị nhà nước như cũng như các cơ sở y tế, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững; không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn trao quyền cho cộng đồng, đưa tiếng nói của người dân vào quá trình cải thiện dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện mô hình này vẫn còn gặp một số thách thức như việc duy trì thành viên, mở rộng phạm vi công việc, điều phối các khía cạnh hành chính và tài chính. Để mô hình CAB phát triển bền vững, cần có sự cam kết từ chính phủ trong việc hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, và ngân sách. Đồng thời, mô hình này cũng cần được mở rộng ra ngoài phạm vi hiện tại, tăng cường sự tham gia của khách hàng và cộng đồng trong việc giám sát, triển khai các sáng kiến mới, và hỗ trợ các bệnh đồng diễn như lao và các bệnh khác.