Các anh về mái ấm, bản vui
Được cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân ủng hộ, sau thời gian ngắn về cơ sở, đội ngũ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã của tỉnh Nghệ An đạt nhiều kết quả nổi bật.
Không chỉ làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các vụ việc tại cơ sở, khi về xã, đội ngũ Công an chính quy còn có điều kiện tìm hiểu phong tục, tập quán, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ.
Xã “nóng” chuyển mình
Từng là “điểm nóng” về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy của huyện Kỳ Sơn, tuy nhiên, thời gian qua, công tác đấu tranh với loại tội phạm này ở xã Chiêu Lưu đã có sự chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, mang đậm dấu ấn rõ nét của lực lượng Công an chính quy sau khi được điều động về nơi đây…
Xã Chiêu Lưu nằm ở phía Đông Nam của huyện Kỳ Sơn trải dọc theo tuyến quốc lộ 7A với 11 bản, 1.538 hộ, 6.754 nhân khẩu nằm rải rác trên diện tích hơn 12.000ha, tiếp giáp nhiều xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là tiếp giáp xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An - một tụ điểm phức tạp về ma túy. Lợi dụng địa hình này, các đối tượng nghiện thường chọn Chiêu Lưu làm chỗ trung chuyển, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước tình hình đó, thực hiện Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn”, đầu tháng 3-2020, Công an huyện Kỳ Sơn đã công bố các quyết định thực hiện việc điều động 3 đồng chí Công an chính quy về nắm giữ các chức danh Công an xã Chiêu Lưu.
Ngay sau khi được phân công về công tác tại cơ sở, Đại úy Lăng Trọng Tú, Trưởng Công an xã Chiêu Lưu cùng với 2 đồng chí Công an chính quy khác đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, bám bản, bám dân để đề ra các kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh lại tình hình ANTT vốn dĩ có nhiều tiềm ẩn phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền xã và sự hướng dẫn, phối hợp của các đội nghiệp vụ Công an huyện trong công tác chuyên môn, trong 6 tháng đầu năm, Ban Công an xã Chiêu Lưu đã triển khai các mặt công tác đạt hiệu quả cao. Nhất là công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ghi đậm dấu ấn rõ nét của lực lượng Công an chính quy trong thời gian vừa qua.
Ban Công an xã đã chủ trì bắt tội phạm ma túy 8 vụ, 10 đối tượng và phối hợp với các đội nghiệp vụ bắt 15 vụ, 15 đối tượng phạm tội ma túy. Đặc biệt, phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn phá 2 chuyên án, bắt 4 đối tượng có hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy” thu giữ tổng 22 bánh heroin, 26kg ma túy đá, 19.4000 viên ma túy tổng hợp.
Ngoài việc tấn công mạnh vào tội phạm ma túy, Ban Công an xã đã tập trung triển khai công tác nắm tình hình, thống kê lại số người nghiện ma túy trên địa bàn để đưa vào diện quản lý chặt chẽ. Nhờ vậy, tình hình về tệ nạn ma túy trên địa bàn cơ bản đã được kìm giữ, nhiều đối tượng xấu đang manh nha gieo rắc “cái chết trắng” về các bản làng nơi đây đã phải rút lui, từ bỏ ý định.
Khi được hỏi về sự đổi thay ở xã Chiêu Lưu từ khi có Công an chính quy, ông La Đức Thoại, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: “Mặc dù chỉ mới gần 5 tháng đảm nhận nhiệm vụ nhưng các đồng chí Công an chính quy đã thực hiện tốt công tác giữ gìn ANTT tại địa bàn. Ngoài ra, công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy đạt hiệu quả cao, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, giúp cho bà con nơi đây yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế”.
Thắm tình quân dân nơi biên giới
Tới xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), nơi sinh sống của đồng bào Thái và Đan Lai, mới thấy hết tình cảm của người dân dành cho cán bộ Công an xã chính quy. Từ ngày bám bản, các anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đối thoại để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để rồi hình ảnh những chiến sỹ Công an bám bản, bám làng cứ in đậm vào lòng những người dân nơi đây.
Con đường dẫn vào bản Cửa Rào, xã Môn Sơn giờ đây xe ôtô có thể ra vào. Hai bên đường là những ngôi nhà xây theo diện tái định cư của đồng bào Đan Lai xen lẫn ngôi nhà sàn của đồng bào Thái.
Vừa thấy Thượng úy Lay Văn Thìn, Trưởng Công an xã Môn Sơn bước xuống xe, bà La Thị Nguyệt, người Đan Lai, bản Cửa Rào, hồ hởi nói: “Thìn xuống bản hả con? Để mẹ hái đậu về cho Công an ăn”. Thượng úy Lay Văn Thìn vui vẻ đùa với bà Nguyệt là nhà con mua hết đậu của mẹ, Công an ăn nhiều lắm. Tiếng cười giòn giã vang lên trong khu vườn nhỏ trước nhà.
Gần hai năm được điều động về làm Trưởng Công an xã Môn Sơn, đồng bào các bản ở Môn Sơn đã quen thuộc với hình ảnh Thượng úy Lay Văn Thìn trên chiếc xe máy rong ruổi khắp các bản làng. Còn nhớ lúc bắt tay vào nhiệm vụ ở địa bàn, anh không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng bản lĩnh của một chiến sĩ Công an được đào tạo bài bản và kinh nghiệm thực tế mà bản thân tích lũy được, anh đã nhanh chóng khắc phục những khó khăn ban đầu, từng bước thực hiện tốt các mặt công tác tại địa bàn.
Xã biên giới Môn Sơn có 14 bản với 2.233 hộ dân, 80% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là người Đan Lai và một số ít người Kinh. Trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao (25%), nhất là 2 bản người Đan Lai (Khe Búng và Cò Phạt).
Nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán có nơi còn lạc hậu. Những điều này dần thay đổi từ khi Ban Công an xã và chính quyền địa phương áp dụng mô hình dân vận khéo. Các anh đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, giúp bà con từ những việc đơn giản hằng ngày như làm vườn, trồng rau, nuôi gà, lợn... Người Đan Lai thường vào rừng hái măng, bắt cá, bẫy thú rừng để kiếm sống qua ngày.
Tuy nhiên, khi được Thượng úy Lay Văn Thìn giải thích rõ về hậu quả của việc hủy hoại thiên nhiên môi trường rừng, đồng thời vận động bà con tập trung làm kinh tế như trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi nên thói quen đó đã giảm hẳn. Giờ đây, nếp sống của người Đan Lai đã ổn định, hòa nhập cộng đồng bên những bản làng người Thái ở Môn Sơn.
“Các thôn, bản nằm cách xa nhau, việc đi lại khó khăn, nhưng anh em Công an xã vẫn luôn bám sát cơ sở, vận động người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, không xâm canh xâm cư, vượt biên trái phép; đồng thời khuyến cáo bà con nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng buôn ma túy, buôn người qua biên giới. Bà con dân bản ở đây rất tin tưởng vào lực lượng Công an chính quy, có vụ việc gì xảy ra bà con đều trình báo nhờ Công an xã để giải quyết”, ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho hay.
Dựa vào quần chúng nhân dân, nhiều mô hình, cách làm hay mà quân dân Môn Sơn phát huy tốt như: Mô hình tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản; các câu lạc bộ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở ba bản Bắc Sơn, Nam Sơn, Làng Yên… Trên cơ sở đó, quần chúng nhân dân đã phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới và cung cấp nguồn tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các bản luôn ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra, hệ thống đường biên cột mốc luôn được giữ vững.
Thượng tá Đinh Anh Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, so với các xã đồng bằng, việc triển khai đề án đưa Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở vùng miền núi, biên giới thường khó khăn hơn. Hiện nhiều xã vùng núi, biên giới chỉ có một đồng chí vừa kiêm nhiệm Trưởng Công an xã, vừa là Công an viên, phụ trách địa bàn rộng nên rất vất vả.
Tính đến thời điểm này, Công an tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc điều động 1.355 đồng chí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 428 xã, thị trấn đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 428 đồng chí là Trưởng Công an xã, thị trấn; 126 đồng chí là Phó trưởng Công an xã, thị trấn. Đặc biệt, tại một số xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, bố trí 1 đồng chí phó trưởng Công an xã bán chuyên trách là người dân tộc.
Cùng với sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền các địa phương, lực lượng Công an chính quy về xã đã góp phần chủ động nắm tình hình, giải quyết sớm các vụ việc ngay tại cơ sở, mà nổi bật là đã chuyển hóa nhiều điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự, mang lại niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cac-anh-ve-mai-am-ban-vui-607698/