Các bên đối địch ở Libya không đạt được thỏa thuận về vấn đề bầu cử
Cuộc đàm phán giữa Hạ viện chung và Hội đồng Cấp cao Nhà nước đã kết thúc vào sáng 20/6, tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại những bất đồng về biện pháp điều chỉnh giai đoạn chuyển tiếp hướng đến bầu cử.
Liên hợp quốc cho biết các phe đối địch tại Libya đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất do Liên hợp quốc chủ trì vào ngày 20/6 mà không đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc liên quan cuộc bầu cử bị trì hoãn lâu nay ở nước này.
Các đại diện của Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya có trụ sở tại Tripoli và Hạ viện chung Libya có trụ sở ở miền Đông đã bắt đầu cuộc họp ở thủ đô Cairo của Ai Cập hơn một tuần trước, nhưng không đạt được thành công.
Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams nêu rõ vòng đàm phán thứ ba và cũng là vòng cuối cùng giữa Hạ viện chung và Hội đồng Cấp cao Nhà nước về lộ trình Hiến pháp Libya đã kết thúc vào sáng 20/6, tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại những bất đồng về biện pháp điều chỉnh giai đoạn chuyển tiếp hướng đến bầu cử.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng các bên đã "đạt được đồng thuận về các điều khoản gây tranh cãi trong Dự thảo Hiến pháp Libya," đồng thời cảm ơn các bên đã "nỗ lực giải quyết những bất đồng về một số vấn đề phức tạp." Bà hối thúc hai bên gặp lại trong vòng 10 ngày tới "để giải quyết các vấn đề còn tồn tại."
Bà lưu ý rằng khoảng 2,8 triệu người Libya trong tổng dân số 7 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu sau thỏa thuận ngừng bắn lịch sử vào tháng 10/2020.
Theo kế hoạch ban đầu, bầu cử tổng thống và quốc hội Libya đáng lẽ diễn ra vào tháng 12/2021 nhằm mở màn cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này. Tuy nhiên, bầu cử đã không thể diễn ra do những tranh cãi về các ứng cử viên và nguyên tắc bỏ phiếu.
Căng thẳng chính trị leo thang kể từ tháng 3 khi Quốc hội bổ nhiệm chính quyền mới nhằm thay cho nhà lãnh đạo lâm thời Abdulhamid Dbeibah với lý do nhiệm kỳ của ông đã kết thúc.
Tuy nhiên, ông Dbeibah đã từ chối chuyển giao quyền lực khi chưa bầu được chính phủ mới.
Libya đã lâm vào cuộc xung đột kéo dài 11 năm kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi năm 2011. Mâu thuẫn về quyền kiểm soát chính phủ và nguồn thu nhà nước cũng như về một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo đang tiếp tục đe dọa đẩy Libya trở lại tình trạng chia rẽ chính quyền và nội chiến./.