Các bên tham chiến Sudan không có dấu hiệu sẵn sàng đàm phán

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cảnh báo mặc dù lệnh ngừng bắn 72 giờ ở Sudan đã được thiết lập, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các bên tham chiến sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc để chấm dứt cuộc xung đột.

Khói bốc lên từ Khu công nghiệp nhẹ phía Bắc Khartoum, Sudan, ngày 23/4. Ảnh: Reuters

Khói bốc lên từ Khu công nghiệp nhẹ phía Bắc Khartoum, Sudan, ngày 23/4. Ảnh: Reuters

“Cả hai đều nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng quân sự trước bên kia. Đây là một tính toán sai lầm”, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Sudan Volker Perthes ngày 25/4 nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo Reuters.

Cuộc xung đột giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4, khi tướng SAF Abdel Fattah al-Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội, nhưng tướng RSF Mohammed Hamdan Dagalo phản đối.

Cả hai bên đã đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ kể từ ngày 25/4, sau các cuộc đàm phán do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian.

“Có vẻ như nó đã được duy trì ở một số nơi cho đến nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được các báo cáo liên tục về giao tranh và điều động quân đội”, ông Perthes cho biết.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng tình trạng bạo lực và hỗn loạn ở Sudan là thực tế “đau lòng”. Ông nhận định cuộc tranh giành quyền lực giữa các lực lượng khiến tương lai của Sudan rủi ro và có thể gây đau khổ cho người dân trong nhiều năm và cản trở sự phát triển trong nhiều thập kỷ.

Liên Hợp Quốc cũng phải di chuyển trăm nhân viên và gia đình của họ từ thủ đô Khartoum tới thành phố Port Sudan gần Biển Đỏ, do tình hình mất an ninh. Cơ quan này có kế hoạch thành lập một trung tâm điều phối ở Port Sudan ngay cả trước khi bạo lực nổ ra.

Một ngôi nhà bị phá hủy bởi cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 25/4. Ảnh: AP

Một ngôi nhà bị phá hủy bởi cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 25/4. Ảnh: AP

Các cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đã khiến 459 người thiệt mạng, hơn 4.000 người bị thương, phá hủy các bệnh viện và làm gián đoạn quá trình viện trợ cho người dân. Ước tính gần 16 triệu người, khoảng 1/3 dân số Sudan, đang phụ thuộc vào nguồn viện trợ nhân đạo.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) – cơ quan điều phối các nỗ lực cứu trợ, đã buộc phải cắt giảm một số hoạt động do bạo lực diễn ra. Ít nhất 5 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra, buộc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phải đình chỉ một số hoạt động.

Ông Jens Laerke, người phát ngôn của OCHAm cho biết: “Ở những khu vực mà giao tranh dữ dội đã cản trở các hoạt động nhân đạo của chúng tôi, chúng tôi buộc phải giảm bớt hoạt động. Nhưng chúng tôi cam kết tiếp tục viện trợ cho người dân Sudan”.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết các cuộc giao tranh đẫm máu thể có thêm nhiều người phải đi sơ tán. Từ ngày 15/4, ít nhất 20.000 người Sudan đã chạy sang Chad và khoảng 4.000 người tị nạn Nam Sudan từng sống ở Sudan đã trở về nước. UNHCR dự báo tổng số người tị nạn Sudan có thể lên tới 270.000.

Trong lúc này, việc hàng loạt các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân và đóng cửa các đại sứ quán đã làm dấy lên lo ngại rằng, Sudan có thể đối mặt với cuộc chiến tồi tệ hơn. Các quan chức phương Tây cho biết họ đang cố gắng chấm dứt chiến sự thông qua các biện pháp ngoại giao.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cac-ben-tham-chien-sudan-khong-co-dau-hieu-san-sang-dam-phan-post20913.html