Các bên tìm giải pháp sau khi Nga ngừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Các nỗ lực ngoại giao đang được đẩy mạnh nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế sau khi Nga quyết định không gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Liên Hợp Quốc cam đoan sẽ tiếp tục bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho lương thực và phân bón từ Ukraine và Nga, sau khi thỏa thuận này hết hiệu lực hôm 17/7.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa khẳng định, tổ chức này sẽ nỗ lực để Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen được nối lại càng sớm càng tốt.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 18/7 nhấn mạnh: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm tất cả các giải pháp có thể để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine và Nga, cũng như phân bón của Nga được đưa ra thị trường toàn cầu. Đó là quyết tâm của ông ấy. Có một số ý tưởng đang được đưa ra”.

Ảnh: EPA

Ảnh: EPA

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelenskiy cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, hai nhà lãnh đạo này vừa nhất trí hợp tác với nhau và với các nước liên quan, để tái lập an ninh lương thực và nối lại hoạt động vận chuyển lương thực qua Biển Đen.

Nhà lãnh đạo Ukraine còn tuyên bố đã gửi thông điệp chính thức tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong đó đề xuất tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc hoặc tương đương theo hình thức 3 bên mà không có sự tham gia của Nga.

Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar tối 18/7 tiết lộ, chính phủ Ukraine đang nghiên cứu một tuyến đường mới để vận chuyển ngũ cốc qua lãnh hải của Bulgaria và Romania như một phần trong thỏa thuận ngũ cốc.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo: “Chưa đầy 48 giờ kể từ khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc, chúng tôi thực sự vẫn đang xem xét mọi lựa chọn khả thi. Chúng tôi đang làm việc đó ở Kiev. Các đối tác của chúng tôi đang làm việc đó ở Brussels, ở Washington, và tại trụ sở chính ở đây - ở Ankara. Các bên đều đang tích cực tìm lối thoát và cân nhắc mọi lựa chọn”.

Sau khi thông tin thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc không tiếp tục được gia hạn, các loại ngũ cốc chủ chốt như lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng giá. Giới quan sát lo ngại, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cho rằng, những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông có thể sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lúa mì của Nga - quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Theo ông Peter Ceretti của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, trong thời gian tới, việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc có thể gây thêm áp lực tăng giá lương thực khác, trong bối cảnh hạn hán hoành hành ở châu Âu cùng những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng thời tiết El Nino.

Trước thực tế an ninh lương thực toàn cầu một lần nữa đứng trước thách thức, việc khơi thông dòng chảy lương thực qua Biển Đen đang được đánh giá là ưu tiên hàng đầu cần sớm được giải quyết. Cộng đồng quốc tế được kêu gọi cần chung tay thể hiện trách nhiệm nhằm đảo bảo cho an ninh lương thực toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc hy vọng thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen sẽ tiếp tục được thực hiện một cách cân bằng, đầy đủ và hiệu quả. Trung Quốc ủng hộ thúc đẩy sáng kiến hợp tác về an ninh lương thực toàn cầu này và mong muốn có nhiều trao đổi và hợp tác hơn với các bên liên quan để giúp xây dựng sự đồng thuận quốc tế và qua đó đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu”.

Về phía Nga, lý giải về quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga lấy làm thất vọng về những gì đạt được sau một năm thực hiện thỏa thuận, đồng thời cho rằng những điều khoản liên quan đến Nga không được thực thi. Nga khẳng định chỉ quay trở lại thỏa thuận chừng nào các bên liên quan tuân thủ các điều khoản trước đó và các yêu cầu của Nga được đáp ứng bằng “những kết quả cụ thể”.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cac-ben-tim-giai-phap-sau-khi-nga-ngung-gia-han-sang-kien-ngu-coc-bien-den-post1033688.vov