Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em

Thời tiết nắng nóng khi mùa hè đến có thể khiến trẻ có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như mất nước, say nắng, ngộ độc thực phẩm hay bệnh về mắt.

 Việc thường xuyên ở ngoài trời vào mùa hè có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt. Ảnh: Hindustantimes.

Việc thường xuyên ở ngoài trời vào mùa hè có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt. Ảnh: Hindustantimes.

Thời tiết nắng nóng của mùa hè có thể khiến con bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa và bệnh liên quan đến nhiệt. Trẻ em tràn đầy năng lượng và đặc biệt có tâm trạng vui tươi trong mùa hè vì đây là thời gian nghỉ hè của chúng. Trẻ có thể không chú ý đến việc vệ sinh tay và do đó có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng theo mùa cao hơn.

Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt như mất nước, say nắng và phát ban do nhiệt. Cha mẹ cũng cần chú ý đến những gì con mình tiêu thụ trong mùa hè vì không có đủ chất lỏng hoặc thực phẩm cung cấp nước có thể khiến trẻ bị mất nước và thiếu năng lượng trong những tháng nóng bức. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều đồ ăn vặt và đồ ăn nhiều đường có thể gây ra tính axit và táo bón ở trẻ nhỏ.

"Cũng giống mùa đông, ngay cả mùa hè cũng kéo theo rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Cha mẹ sẽ phải thận trọng và chú ý đến sức khỏe của con mình", tiến sĩ Suresh Birajdar, bác sĩ Sơ sinh & Nhi khoa, Bệnh viện Motherhood, Kharghar (Ấn Độ), cho biết.

Bệnh lây truyền qua đường nước

Theo Hindustan Times, tiến sĩ Birajdar nói không có gì phải bàn cãi khi uống nước bị ô nhiễm có thể gây ra vô số vấn đề sức khỏe có thể tàn phá sức khỏe của con bạn. Trẻ có thể dễ mắc các bệnh thương hàn, tiêu chảy, tả, vàng da, kiết lỵ trong mùa hè.

Để phòng ngừa, cha mẹ phải mang theo chai nước khi đi du lịch với trẻ em trong kỳ nghỉ. Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng quên đun sôi nước trước khi cho trẻ uống.

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Mắt trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tia UVA và UVB có hại từ mặt trời vì thủy tinh thể của mắt trẻ trong suốt hơn mắt người lớn.

Đặc biệt, viêm kết mạc, hay đau mắt đỏ, là căn bệnh phổ biến mùa hè có thể gây mẩn đỏ, ngứa và viêm mắt cho trẻ. Do đó, cha mẹ nên đảm bảo rằng trẻ được can thiệp kịp thời. Chỉ nhỏ thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ. Không dụi mắt hoặc dùng chung vật dụng cá nhân với bất kỳ ai vì viêm kết mạc rất dễ lây lan.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho con đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một chiếc mũ rộng vành sẽ bảo vệ thêm cho đôi mắt của con bạn. Luôn nhớ rằng tia UV càng nguy hiểm hơn khi ở bãi biển, vì chúng phản chiếu trên cát và nước.

Ho

Vào mùa hè, trẻ em có xu hướng thích ăn kem và đồ uống lạnh. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn cổ họng, đau họng, gây ho. Vì vậy, trẻ nên điều độ trong việc ăn uống những món này. Tốt hơn là cho trẻ ăn đồ nấu ở nhà vừa giúp trẻ khỏe mạnh.

Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là căn bệnh phổ biến do thực phẩm gây ra đạt đến đỉnh điểm trong mùa hè. Nguyên nhân là nhiệt độ cao hỗ trợ vi khuẩn phát triển và việc tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi chúng ta ăn phải thực phẩm có chứa một số loại vi khuẩn và virus. Các vi sinh vật sau đó tiếp tục phát triển trong đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng. Các triệu chứng thường bao gồm nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, trong một số trường hợp có thể bị sốt. Bảo vệ con bạn khỏi ngộ độc thực phẩm bằng cách đảm bảo thịt được nấu chín và giữ vệ sinh tốt trong nhà bếp, tránh để trẻ ăn thức ăn ven đường.

Mất nước

Nắng nóng như thiêu đốt sẽ khiến trẻ bị mất nước. Trẻ nên uống đủ nước để duy trì cân bằng điện giải. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống nước dừa, bơ sữa và nước chanh để giữ nước. Bao gồm dưa lê, dưa hấu và dưa chuột trong chế độ ăn kiêng. Tránh nước ép trái cây cô đặc và nước chanh với lượng đường dư thừa.

 Nắng nóng có thể khiến trẻ dễ bị mất nước hơn bình thường. Ảnh: Parkviewhealth.

Nắng nóng có thể khiến trẻ dễ bị mất nước hơn bình thường. Ảnh: Parkviewhealth.

Say nắng

Say nắng xảy ra khi trẻ dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng quá cao. Say nắng có thể khiến mạch đập nhanh, mất phương hướng, buồn nôn, lưỡi sưng khô và da đỏ, nóng.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, say nắng có thể khiến trẻ bất tỉnh. Say nắng có thể rất nghiêm trọng và trong những trường hợp này, việc đến phòng cấp cứu là điều cần thiết.

Để tránh bị say nắng, hãy cố gắng giữ con bạn trong bóng râm trong thời gian nắng nóng trong ngày, đặc biệt tránh mạo hiểm cho trẻ ra ngoài khi trời nắng gắt (từ 14h đến 16h). Ngoài ra, cha mẹ cần đảm bảo trẻ giữ đủ nước bằng cách cho chúng uống nhiều nước.

Phát ban nhiệt

Điều này có thể thường xuyên xảy ra trong những tháng mùa hè. Phát ban nhiệt điển hình với các triệu chứng bao gồm phát ban đỏ hoặc hồng, thường ở đầu, cổ và vai. Nó xảy ra khi các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn và sưng lên, dẫn đến ngứa và khó chịu. Phát ban nhiệt thường do mặc quần áo bí, dày khi trời nóng.

Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ mặc quần áo nhẹ để giảm nguy cơ phát ban do nhiệt. Phát ban do nhiệt thường biến mất sau 1-2 ngày và không cần chăm sóc y tế, trẻ cũng có thể được dùng thuốc mỡ để giảm triệu chứng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Đây là bệnh nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Các trường hợp nhiễm trùng tiểu thường tăng ở trẻ em trong mùa hè do trẻ không uống đủ nước. Cha mẹ nên đảm bảo rằng trẻ tuân theo các thói quen vệ sinh cá nhân tốt.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-benh-mua-he-thuong-gap-o-tre-em-post1424009.html