Các bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh

Thời tiết giao mùa, chuyển lạnh tạo ra thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm. Mọi người cần quan tâm, chủ động thực hiện biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh.

Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bà Trương Thị Nở, ngụ phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ: “Mỗi khi thời tiết lạnh là tôi bị cảm, đau nhức các khớp xương, huyết áp không ổn định. Mỗi đợt thời tiết thay đổi tôi phải đi khám bệnh, lấy thuốc uống”.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Thời tiết lạnh, người cao tuổi dễ mắc bệnh do nhiệt độ giảm đột ngột làm cơ thể người già giảm sức đề kháng, dễ bệnh. Các bệnh người già thường gặp là huyết áp không ổn định, thoái hóa khớp và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, tim mạch…”.

Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân; đến đầu tháng 11-2023, số bệnh nhân đến khám tại khoa tăng, cao nhất khoảng 1.800 bệnh nhân/ngày, trong đó bệnh nhân là người cao tuổi tăng khoảng 20%.

Người cao tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Thời tiết lạnh, các bệnh liên quan đến hô hấp thường gặp như viêm phế quản cấp, viêm họng cấp, viêm phổi… và bệnh nhân có bệnh lý bệnh phổi nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mặc dù được kiểm soát nhưng khi thời tiết lạnh bệnh nhân khó kiểm soát hơn. Sức khỏe của trẻ em cũng ảnh hưởng, các bệnh thường gặp ở trẻ như viêm họng, viêm mũi, chảy nước mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm phổi…

Vừa chăm cháu ở bệnh viện hơn 1 tuần, bà Phù Kim Yến, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá nói: “Hơn 10 ngày nay thời tiết lạnh, cháu tôi bị chảy nước mũi, ho khan và sốt nhẹ. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám, được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi. Gia đình cho cháu nhập viện điều trị để được bác sĩ theo dõi, chăm sóc, hơn 1 tuần cháu khỏi bệnh và được xuất viện”.

Thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, các bệnh cúm...

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh trong thời tiết giao mùa, người dân nên giữ ấm cơ thể; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Buổi sáng nên xoa tay, xoa chân cho ấm mới xuống giường, có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động trong nhà chứ không nên ra khỏi nhà khi thời tiết lạnh và không để máy lạnh dưới 270C.

Bên cạnh đó, tăng cường ăn rau quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt... nhằm tăng sức đề kháng. Người cao tuổi nên uống một ly sữa ấm trước lúc ngủ để khỏi hạ đường huyết trong đêm gây rối loạn giấc ngủ...

Cha mẹ giữ ấm cho trẻ vào buổi sáng kể cả đi ra đường và trong nhà bằng cách mặc quần áo dài, đội mũ, đeo găng tay, vớ chân... Tiêm ngừa đầy đủ vaccine phòng bệnh. Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bị bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

“Người dân cần đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hay di chuyển trên đường. Khi có dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng lưu ý.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/cac-benh-thuong-gap-khi-thoi-tiet-chuyen-lanh-17831.html