Các bị cáo phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia

Viện kiểm sát khẳng định, đây là hoạt động tội phạm có tổ chức, mang tính xuyên quốc gia. Do vậy, các bị cáo bị truy tố với tình tiết định khung phạm tội có tổ chức là hoàn toàn căn cứ. Việc một số luật sư đưa ra luận điểm cho rằng, các bị cáo hoạt động tội phạm riêng lẻ là không có căn cứ.

Chiều 30/8, phiên tòa sơ thẩm xét xử 135 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng, đòi nợ kiểu xã hội đen do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đã bước sang ngày làm việc thứ 8, tiếp tục với phần tranh luận của đại diện VKSND TP Hà Nội.

Theo Viện kiểm sát, năm 2018, Li Zhao Qiang (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam móc nối với một số đối tượng là du học sinh Việt Nam học tại Trung Quốc, đối tượng này đã bàn bạc, chỉ đạo tổ chức đường dây sử dụng công nghệ cao hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê và trốn thuế trên lãnh thổ Việt Nam.

 Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Ảnh: Hồng Nguyên.

Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Ảnh: Hồng Nguyên.

Quá trình điều tra xác định, Li Zhao Qiang là đối tượng chủ mưu cầm đầu, điều hành đường dây cho vay nặng lãi và truy thu nợ từ nước ngoài, với phương thức thủ đoạn là thuê kỹ sư phần mềm viết các app; trang web: cashvn.com.vn, vaynhanhpro.com.vn... tạo lập các cổng thanh toán trực tuyến vay tiền lãi suất cao tương đương mức lãi suất từ 1.570% đến 2.190%/năm, đồng thời thành lập ra các “công ty ma”, đăng ký kinh doanh với rất nhiều loại hình hoạt động nhưng thực chất không có bất cứ hoạt động kinh doanh gì, mà chỉ để cho vay lãi nặng qua các app, đòi nợ và trốn thuế để chiếm đoạt tài sản.

Tại Việt Nam, Li Zhao Qiang thuê Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) điều hành hoạt động chung; Zhang Min (SN 1986, trú tại TP Bắc Kinh, Trung Quốc) phụ trách bộ phận nhắc, truy thu, đòi nợ; Liu Dan Yang (SN 1992, trú tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) phụ trách việc giải ngân và thu tiền của khách vay thông qua Công ty thanh toán trung gian.

Trong công ty có 4 bộ phận chính, gồm: Telesala (kinh doanh qua mạng), thẩm định, nhắc nợ, đòi nợ; việc điều hành quản lý, giao việc... trong công ty đều thực hiện qua các phần mềm; việc tổ chức hoạt động bài bản, quy mô lên tới hàng trăm nhân viên, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có giám đốc, phó giám đốc, tổ trưởng của từng bộ phận, phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên; mỗi một bộ phận là một mắt xích quan trọng không thể tách rời, bộ phận này hoạt động hỗ trợ cho bộ phận kia, nhằm đạt kết quả cuối cùng là thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

 135 bị cáo bị đưa ra xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

135 bị cáo bị đưa ra xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

Viện kiểm sát khẳng định, đây là hoạt động tội phạm có tổ chức, mang tính xuyên quốc gia. Do vậy, các bị cáo trong vụ án đều bị truy tố với tình tiết định khung phạm tội có tổ chức là hoàn toàn căn cứ. Việc một số luật sư đưa ra luận điểm cho rằng, các bị cáo hoạt động tội phạm riêng lẻ là không có căn cứ.

Các bị cáo với thủ đoạn thành lập các “công ty ma”, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước, đã gây ra lũng đoạn nền kinh tế, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội;

Với thủ đoạn cho vay với lãi suất cắt cổ, người vay không có khả năng trả nợ, các bị cáo lại dụ dỗ người vay tiếp tục vay sang app khác, lấy tiền vay app này để trả nợ cho khoản vay của app kia, dẫn tới chỉ trong một thời gian ngắn, người vay từ con số vài triệu đồng đã phải chịu khoản nợ cả gốc và lãi là vài chục triệu đồng.

Sau đó, các đối tượng dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần, liên tục gọi điện cho khách vay tiền, hoặc người thân, bạn bè của khách để đe dọa, cắt ghép hình ảnh phản cảm gửi cho khách nợ quá hạn, buộc các khách vay phải trả tiền. Việc truy thu nợ của các bị cáo mang tính chất như xã hội đen, thể hiện tính manh động, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, việc áp dụng tình tiết định khung đối với các bị cáo trong vụ án là hoàn toàn thỏa đáng.

Khi Cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ hàng trăm đối tượng và khám xét hàng trăm máy tính đang hoạt động thì máy chủ đặt tại Trung Quốc đã đánh sập toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra và Cơ quan an ninh mạng Phòng, chống tội phạm công nghệ cao vẫn kịp thu giữ các chứng cứ điện tử, thể hiện con số giao dịch và thu lợi lên đến hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này ngoài việc giữ lại một phần để trả lương cho các nhân viên và duy trì bộ máy hoạt động thì phần lớn còn lại được chuyển vào tài khoản của 2 đối tượng họ Dương, sau đó được chuyển ra nước ngoài cho đối tượng LiZao Quang. Hoạt động này có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền nên Cơ quan điều tra đã tách tài liệu để tiếp tục xử lý theo quy định.

Viện kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo đã nguy hiểm cho xã hội. Hành vi cho vay lãi nặng đã xâm phạm chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước. Qua đó, dẫn đến các hành vi phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền về tài sản được pháp luật bảo vệ; tiếp tay cho hoạt động trốn thuê, hoạt động rửa tiền.

Các bị cáo đều là những người trưởng thành, có nhận thức pháp luật đầy đủ, được học hành, đào tạo bài bản qua các trường lớp lẽ ra phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; các bị cáo là người nước ngoài đến Việt Nam sống làm việc, đều phải hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân, các bị cáo đã bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội, tiếp tay cho các hoạt động cho vay lãi nặng, trốn thuế, rửa tiền.

Cuối chiều 30/8, phiên tòa đã kết thúc phần tranh luận, trước khi HĐXX đi vào nghị án, các bị cáo đã được nói lời sau cùng. Chiều ngày 31/8, HĐXX tuyên án.

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/cac-bi-cao-pham-toi-co-to-chuc-xuyen-quoc-gia-163824.html