Các bị cáo thuộc Cục Hải quan thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Kinhtedothi – Trong vụ án TAND TP Hồ Chí Minh đang xét xử, ngoài nhóm bị cáo ngành thuế bị xử các tội, trong đó có tội danh 'Nhận hối lộ', còn có 4 cán bộ cũng của ngành thuế và 7 công chức Hải quan bị xét xử tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'.
Không thực hiện đúng quy định, góp sức cho lừa đảo
Ngày 19/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), với phần tranh luận. Vụ án này, có 12 bị cáo bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có 4 bị cáo thuộc Cục thuế TP Hồ Chí Minh và 7 bị cáo là công chức tại các đội nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan của TP này, cùng 1 bị cáo thuộc Thuduc House. Vậy những người này phạm tội như thế nào? Gây thiệt hại ra sao?
Đối với bị cáo Nguyễn Hưng Long (SN 1966, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Thuduc House), theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014; Điều lệ Thuduc House năm 2017-2018, thì Ban Kiểm soát thực hiện giám sát HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc trong việc quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh; kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 6 tháng của công ty.
Tuy nhiên, Long đã không thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định mà chỉ kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty qua báo cáo của Ban Điều hành; không phân công kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng linh kiện điện tử, hoạt động lập hồ sơ hoàn thuế GTGT, để các đối tượng tại Thuduc House thực hiện hành vi gian dối trong thời gian dài, giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 365,5 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT, thông qua việc lập 17 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế trái quy định của pháp luật.
"Ngâm" văn bản và dời ngày thanh tra
Đối với nhóm bị cáo thuộc Cục thuế, gồm: Đặng Thị Huỳnh Yến (SN 1971, Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 9), Võ Quang Lâm (SN 1974, công chức), Trần Bảo Thịnh (SN 1968) và Đặng Thị Minh Châu (SN 1973, cả 2 cùng là công chức Phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 2).
Trong đó, bà Châu được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra; ông Thịnh làm thành viên đoàn kiểm tra kỳ hoàn thuế tháng 2/2018 và tháng 3/2018 của Thuduc House (trường hợp thuộc diện kiểm tra trước - hoàn thuế sau, với tổng số tiền đề nghị hoàn là 34.065.489.621 đồng).
Theo quy định, bà Châu kiểm tra hóa đơn đầu vào, ông Thịnh kiểm tra hóa đơn đầu ra nhưng cả 2 chỉ căn cứ vào báo cáo, hồ sơ kê khai của Thuduc House; không đối chiếu hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán đầu vào với tờ khai, hồ sơ hải quan đầu ra theo quy định.
Do đó, cả 2 không phát hiện được 3/47 bộ hồ sơ xuất khẩu có hóa đơn GTGT đầu vào lập và ký sau ngày có xác nhận của Hải quan (thuộc trường hợp phải dừng hoàn thuế, đồng thời chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý hoặc phải thực hiện thanh tra hoàn thuế) dẫn đến thống nhất lập, ký biên bản kiểm tra; lập và ký 2 phiếu đề xuất hoàn thuế trình lãnh đạo ra 2 quyệ́t định hoàn thuế GTGT cho Thuduc House, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 34.065.489.621 đồng.
Còn Đặng Thị Huỳnh Yến và Võ Quang Lâm có nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thanh tra hoạt động tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Tại tờ trình ngày 14/8/2018 của Phòng Kê khai - Kế toán thuế lập, đã đề xuất kiểm tra ngay sau khi hoàn thuế kỳ tháng 4 đến 7/2018 do phát hiện có các dấu hiệu rủi ro bất thường. Khi đấy bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1969, Phó Cục trưởng Cục thuế, bị cáo trong vụ án) có bút phê: Chuyển Phòng Thanh tra số 3 nghiên cứu, phân tích hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House.
Ngày 23/10/2018, Yến nhận được tờ trình nêu trên nhưng đến tháng 1/2019, mới có văn bản phân công Lâm nghiên cứu, phân tích và đề xuất thanh tra đối với Thuduc House trong quý 1/2019 (văn bản phân công được sửa thành tháng 12/2018). Võ Quang Lâm cũng không thực hiện ngay mà lấy lý do gần Tết, nên báo cáo với Yến dời ngày thanh tra sang quý 2/2019.
Đến ngày 17/6/2019, Cục thuế ban hành quyết định thanh tra thuế tại Thuduc House từ kỳ tháng 4 đến kỳ tháng 12/2018. Qua thanh tra phát hiện được toàn bộ sai phạm về việc hoàn thuế của Thuduc House. Hành vi của Đặng Thị Huỳnh Yến góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 258 tỷ đồng, Võ Quang Lâm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 221,6 tỷ đồng.
Kiểm tra thực tế ở mức độ 10%, ghi kết luận làm đúng quy trình!
Đối với nhóm 7 bị cáo là công chức các chi cục thuộc Cục Hải quan, gồm: Phạm Duy Bình (SN 1980, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I), Hoàng Trung Kiên (SN 1985), Nguyễn Duy Linh (SN 1989), Trần Văn Thành (SN 1980, Chi cục kiểm tra sau thông quan), Nguyễn Lê Hùng (SN 1975, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh), Hồ Hoàng Hải (SN 1978), Bùi Hữu Trên (SN 1966, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực III) cùng có hành vi vi phạm trong 39 tờ khai hải quan điện tử phân luồng.
Bị cáo được tại ngoại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và bị cáo bị tạm giam trong vụ án xảy ra tại Thuduc House. Clip: Tân Tiến.
Theo đó, từ tháng 8/2019-10/2020, Công ty Hà Giang và Công ty Indo Vina mở 39 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, khai báo nhập khẩu 39 lô hàng điện tử. Trong 39 tờ khai, hệ thống khai hải quan điện tử phân luồng 35 tờ thuộc luồng vàng (kiểm tra hồ sơ hải quan); 4 tờ thuộc luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với 4 tờ khai thuộc luồng đỏ, 2 công ty nêu trên đều khai tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu chỉ bằng 1/10 hoặc 1/5 giá trị thực tế, các công chức hải quan được giao nhiệm vụ kiểm tra thực tế ở mức độ 10%, nhưng ghi kết luận đã kiểm tra đúng với khai báo của người khai hải quan.
Trong quá trình điều tra, nhóm công chức Hải quan đều khai thực hiện nhiệm vụ đúng quy định, quy trình kiểm tra thực tế, sau đó ghi nhận kết quả lên hệ thống để thông quan cho lô hàng. Tuy nhiên, nhóm đối tượng bị truy tố tội “Buôn lậu” đều khai quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, có tham gia với tư cách là đại diện chủ hàng, đều chứng kiến các công chức Hải quan kiểm hóa; chứng kiến việc cắt seal, mở container và quan sát bằng mắt thường những thùng hàng ở đầu container, không bốc dỡ hàng hóa ra khỏi container, không mở thùng hàng để kiểm đếm số lượng, kiểm tra chi tiết thực tế bên trong.
Hành vi của 7 bị cáo thuộc Cục Hải quan gây ra hậu quả toàn bộ hàng hóa nhập khẩu trái phép trị giá 8.258.490.883 đồng không được phát hiện, tịch thu phát mại sung vào ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, các đối tượng thuộc nhóm tội “Buôn lậu” khai chi tiền cho các công chức Hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi khi kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa. Cơ quan điều tra cho rằng do chưa có đủ căn cứ kết luận việc nhận tiền của công chức hải quan trong quá trình thông quan 39 lô hàng nhập khẩu đứng tên Công ty Hà Giang và Công ty Indo Vina, nên chưa đủ cơ sở truy tố tội “Nhận hối lộ”. Đồng thời, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ, công chức hải quan khác được phân công kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, kiểm tra hàng hóa và duyệt thông quan 39 lô hàng buôn lậu.