Các biến chứng thường gặp khi cắt amidan
Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch.
Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ.
Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan.
Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Vì sao amidan dễ bị viêm?
Thủ phạm gây viêm amidan có thể do: viêm đường hô hấp trên, lạnh, nhiễm siêu vi, cảm cúm. Amindan viêm cũng có thể liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm amidan và hay gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc, bệnh van tim và gây ra viêm cầu thận. Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố. Viêm amidan do nấm ở người suy giảm miễn dịch…
Bệnh nhân bị viêm amidan có biểu hiện:
Sốt cao trên 39- 40 độ C.
Hai amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào amidan.
Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt.
Đau nhức đầu vùng hai bên thái dương, nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, lúc đầu dịch nhày, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng…
Viêm amidan tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như: bệnh tinh hồng nhiệt, áp xe quanh amidan, viêm khớp cấp, viêm cầu thận…
Khi nào nên cắt amidan?
Không phải cứ viêm amidan là phải cắt. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt amidan trong những trường hợp sau:
Tần suất viêm: 7 lần/năm, 5 lần/năm trong 2 năm liên tiếp, 3 lần/năm trong 3 năm liên tiếp trở lên.
Amidan to ảnh hưởng đến nuốt, phát âm, gây ngủ ngáy, có cơn ngừng thở lúc ngủ
Viêm amidan có biến chứng: biến chứng tại chỗ như viêm tấy – apxe quanh amidan, biến chứng ở các cơ quan lân cận như viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản - phổi hoặc các biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ tim do liên cầu tan huyết beta nhóm A…
U amidan nghi ngờ ác tính cần cắt và gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Amidan có nhiều hốc chứa tổ chức bã đậu gây hôi miệng.
Các biến chứng thường gặp khi cắt amidan
Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết. Cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn, nhưng cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong.
Biến chứng thường gặp nhất sau cắt amidan là:
Xuất huyết: Có thể do cắt không đúng kĩ thuật, rối loạn đông máu, chăm sóc không đúng cách. Xuất huyết có thể sảy ra khi đang phẫu thuật hoặc trong vòng 24h sau khi phẫu thuật cho tới 10 ngày sau phẫu thuật.
Đau họng, viêm họng sau khi cắt amidan gây sốt và đau tai.
Sụt cân, bỏ ăn uống, mất nước vì đau.
Nhiễm trùng tại chỗ gây sốt.
Phù nề lưỡi gà và tụ máu gây tắc nghẽn đường thở sau khi phẫu thuật.
Bệnh nhân có thể bị thay đổi tiếng nói nếu amiđan lớn.
Chấn thương tâm lý, hoảng sợ hoặc trầm cảm sau khi cắt.
Tử vong do biến chứng khi gây mê hoặc do xuất huyết.
Để hạn chế gặp biến chứng, người bệnh không nên vận động mạnh, nên nằm nghiêng sang một bên, không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu.
Bệnh nhân cần được theo dõi trong ngày đầu tiên sau khi cắt, để tránh nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật. Nếu xuất huyết nhiều, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không nên cho người bệnh ăn thức ăn cứng vì nó sẽ gây tổn thương và gây ra hiện tượng chảy máu.
Sau cắt amidan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ hai đến ba ngày. Giữ ấm cho cơ thể và đặc biệt là vùng họng, ăn uống theo chỉ định của bác sĩ, tránh ăn đồ ăn lạnh và cứng để cổ họng có thời gian được phục hồi.