Các biện pháp giảm nghèo bền vững ở thị trấn Mỹ Lộc
Những năm qua, Đảng ủy, UBND thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, Đảng ủy, UBND thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Trần Tất Kiên, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Lộc cho biết: Thị trấn hiện có gần 2.000 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,14% dân số, trong đó chủ yếu là các đối tượng người già neo đơn, người khuyết tật... Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND thị trấn chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện phát triển kinh tế, tạo sinh kế lâu dài như thông qua đào tạo nghề, phát triển thương mại dịch vụ… Trong 5 năm qua, thị trấn Mỹ Lộc tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề, các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. UBND thị trấn chỉ đạo Ban Nông nghiệp, các đoàn thể phối hợp với các đơn vị dạy nghề mở các lớp nghề phù hợp với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; các nghề may, mây tre đan. Được bồi dưỡng kiến thức nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh của thị trấn đã nỗ lực duy trì việc làm và nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thị trấn. Tiêu biểu như chị Đặng Thị Quế, tổ dân phố Đặng Xá mở cơ sở sản xuất dép nhựa tạo việc làm cho 15 lao động nữ với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Đinh Thị Nhu, tổ dân phố Vạn Đồn phát triển nghề sản xuất mây tre đan truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao với thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Chị Lê Thị Phấn, tổ dân phố Lê Xá phát triển kinh tế với gia trại đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi trâu bò và trồng cây ăn quả hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cơ sở may Tuấn Phượng, tổ dân phố Thịnh Mỹ tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất mây tre đan của chị Phạm Thị Thoa, tổ dân phố Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Bên cạnh các giải pháp đào tạo nghề, thị trấn tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất. Hiện nay Hội Phụ nữ thị trấn nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội vốn vay là 4,45 tỷ đồng giúp 92 hộ vay; duy trì hoạt động của quỹ TYM trên địa bàn 5 cụm với tổng dư nợ với gần 1,9 tỷ đồng, dư tiết kiệm khoảng 1,2 tỷ đồng với 181 thành viên vay vốn, 100% hộ vay nộp gốc, lãi, tiết kiệm đúng quy định. Hiện nay, tổng số quỹ hội ở các chi hội trong toàn thị trấn là 140 triệu đồng góp phần giúp 29 hội viên phụ nữ yếu thế vay vốn.
Cùng với thực hiện đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quyên góp ủng hộ tổ chức các hoạt động hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Năm 2021, Hội Khuyến học thị trấn đã tặng 25 suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 9 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, thị trấn rà soát, lập danh sách và chuyển quà trợ cấp của tỉnh đến các đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ. Từ sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, một số đối tượng thuộc diện khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Năm 2021, chị Phan Thị Hà, tổ dân phố Lê Xá được Hội Phụ nữ huyện Mỹ Lộc hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà. Chị Hà cho biết: “Chồng mất sớm bản thân tôi sức khỏe yếu không thể làm được việc nặng nhọc, sống cùng mẹ chồng ở ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, thường xuyên bị mưa dột. Sau gần 3 tháng thi công, ngôi nhà mái bằng kiên cố, rộng 70m2 được đưa vào sử dụng giúp gia đình tôi bớt lo lắng khi trời mưa bão...”.
Với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đến nay thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt gần 63 triệu đồng/người/năm. Hiện thị trấn có trên 95% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND thị trấn Mỹ Lộc tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề; huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư