Các biện pháp sử dụng điện an toàn trong đời sống sinh hoạt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương đang thực hiện các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian ở nhà, người dân thường xuyên sử dụng các thiết bị điện phục vụ đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, việc sử dụng điện không cẩn thận, không đúng mục đích dẫn đến lãng phí, mất an toàn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Trước tình hình đó, ngành điện khuyến cáo đến khách hàng, người sử dụng điện một số giải pháp để tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Điện đóng vai trò rất lớn trong đời sống sinh hoạt của chúng ta. Song quá trình sản xuất ra điện, từ nhà máy sản xuất, truyền tải lên đường truyền dẫn cho đến từng hộ tiêu dùng là một quá trình phức tạp và đầu tư tốn kém. Vì vậy, cần phải sử dụng điện làm sao mang lại hiệu quả nhất trong sản xuất và đời sống sinh hoạt là điều cần thiết. Cách sử dụng điện hiệu quả nhất đó là “Sử dụng điện an toàn và tiết kiệm”.

Người dân cần thận trọng khi sử dụng các thiết bị điện

Người dân cần thận trọng khi sử dụng các thiết bị điện

Làm sao để sử dụng điện trong gia đình được an toàn? Đầu tiên phải nói đến là việc lựa chọn vị trí lắp thiết bị điện trong nhà. Cầu dao, công tắc, ổ cắm điện phải đặt ở nơi cao ráo và thuận tiện cho việc sử dụng. Gia đình có trẻ nhỏ hoặc trong vùng có thể ngập nước phải đặt cao hơn nền, sàn nhà ít nhất 1,4m.

Đối với các thiết bị điện có vỏ bằng kim loại như tủ lạnh, máy giặt, bếp điện… cần thực hiện nối đất. Đặc biệt trong gia đình có sử dụng thiết bị máy nước nóng lạnh thì biện pháp nối đất cần được lưu ý hơn. Vì thiết bị lắp trong phòng tắm là nơi môi trường ẩm ướt rất dễ gây ra hiện tượng rò rỉ điện, nguy hiểm đến người sử dụng. Tuyệt đối không lắp đặt thiết bị điện tại các nơi ẩm ướt, ngập nước. Trường hợp cần bố trí thiết bị thì phải được bảo vệ bằng cách lắp đặt thiết bị chống rò điện. Các thiết bị điện và sử dụng điện phải tránh xa tầm tay trẻ em.

Các hộ gia đình cần phải thường xuyên kiểm tra đường dây; thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện (cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm) và các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Nên ngắt các nguồn điện, thiết bị điện khi không sử dụng.

Khi dây dẫn điện bị đứt, tróc, hở cách điện; các thiết bị, đồ dùng điện nếu hư hỏng phải thay thế hoặc sửa chữa xong mới được tiếp tục sử dụng. Đây là trường hợp nguy hiểm tiềm ẩn mà người sử dụng chủ quan thường hay mắc phải như: khi phát hiện vỏ dây bị tróc, chúng ta thường quấn băng keo vài vòng, hoặc dùng bọc ni-lon tạp quấn quanh rồi sử dụng tiếp mà không xử lý dứt điểm dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Khi trời mưa to kèm theo dông, sấm sét cần rút phích cắm các thiết bị như: tivi, máy tính... tách cáp ăng-ten ra khỏi tivi để tránh sét đánh. Nếu nhà bị ngập nước, đầu tiên phải nhớ cắt ngay cầu dao điện. Khi sửa chữa hoặc lắp đặt điện trong nhà phải ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, cầu chì, công tắc). Đồng thời cử người đứng canh hoặc treo biển báo tại thiết bị đóng cắt điện.

Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay như: máy khoan, máy mài… đặc biệt phải lưu ý các loại dây dẫn để tránh quá tải gây nóng chảy dây, hoặc để dây bị trầy tróc hở vỏ. Khi tay hoặc nền, sàn nhà ẩm ướt thì tuyệt đối không chạm vào bất kỳ dụng cụ, thiết bị nào có liên quan đến điện.

Không phơi quần áo, treo, móc vật dụng, hàng hóa... vào dây dẫn điện; không cắm trực tiếp đầu dây dẫn điện (không có phích cắm) vào ổ cắm điện. Khi rút phích cắm điện không nắm dây điện kéo ra, phải nắm vào phần nhựa của thân phích cắm. Tuyệt đối không dùng điện để bẫy chim chuột, chống trộm, bắt cá… Thực tế trong cuộc sống đã có nhiều tai nạn thương tâm bởi những hành vi nguy hiểm này.

PC Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127272/cac-bien-phap-su-dung-dien-an-toan-trong-doi-song-sinh-hoat