Các bộ ngành còn nợ đọng 26 văn bản pháp luật
Đến cuối năm 2020, các bộ ngành phải trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 75 văn bản.
Chiều 22-7, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021.
Hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Thủ tướng xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các bộ ngành phải quan tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên hàng đầu cho công tác hoàn thiện thể chế. Xây dựng, hoàn thiện thể chế là việc làm chủ động, thường xuyên để tháo gỡ và phát triển.
“Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo Bộ trưởng phải quyết liệt và trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết cụ thể hóa các luật và chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng văn bản” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý việc tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ ngành mình quản lý. Để từ đó kịp thời phát hiện chồng chéo, bất cập, các khó khăn, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ theo đúng chỉ đạo Thủ tướng.
Bộ trưởng cho biết hiện các bộ ngành còn nợ đọng 26/54 văn bản chiếm 48,1%, tăng tám văn bản so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, Bộ Nội vụ nợ bảy văn bản, Bộ Tài chính nợ sáu văn bản, Bộ Công an năm văn bản; Bộ GD-ĐT là ba văn bản. Các Bộ Quốc phòng, Tư pháp, VH-TD-TT, Thanh tra Chính phủ, Công thương mỗi bộ nợ một văn bản.
Ngoài ra còn có 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2021.
Như vậy từ nay đến cuối năm các bộ ngành phải trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 75 văn bản. Đây là một khối lượng rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành phải quyết liệt khẩn trương. Ngoài ra hiện có bảy bộ, ngành còn nợ đọng 32/44 đề án.
Rút kinh nghiệm trong việc phối hợp
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Nội vụ cho biết trong bảy văn bản chậm tiến độ có dự thảo Nghị định quy định về xử lý cán bộ công chức viên chức. Thời hạn trình nghị định này là 15-4, Bộ đã trình Chính phủ ngày 1-5, đến nay đã hoàn thiện dự thảo nghị định, dự kiến chậm nhất trình Thủ tướng trước 25-7.
Nói về sự chậm trễ này, ông Tuấn cho biết trong văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có yêu cầu xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan. Trong một tháng Bộ Nội vụ vừa xin ý kiến các bộ ngành, vừa hoàn thiện dự thảo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi: “Chậm như thế này là lỗi tại VPCP hay tại Bộ Nội vụ?”.
Ông Tuấn cho rằng nói lỗi của ai rất khó. Bởi thời điểm trình đã chậm nửa tháng so với thời hạn quy định, khi lên đến Chính phủ gần một tháng sau mới có ý kiến chỉ đạo để lấy ý kiến các bộ, ngành.
Các dự thảo nghị định còn lại, có một văn bản đã trình, đa số dự thảo còn lại Bộ Nội vụ hứa trình Chính phủ trong vòng bảy ngày tới và xin lùi một dự thảo đến tháng 10.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, văn bản này chậm là lỗi tại Bộ Nội vụ không phải VPCP. Vì ngay thời hạn trình yêu cầu 15-4 mà 1-5 mới trình, mất nửa tháng. Khi quay lại mất một tháng nữa mà Bộ Nội vụ chưa trình lại. Còn quy trình nằm ở VPCP một tháng là liên quan đến trình Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo, xong rồi họp, họp ra văn bản.
“Đây là nghị định rất là khó, từ trước nay chúng ta chưa có nghị định xử lý cán bộ, đặc biệt trong bối cảnh để xử lý các đồng chí nguyên lãnh đạo vi phạm. Đây là vấn đề còn rất vướng, qua thực tiễn mới xây dựng thể chế. Cái này chậm có lý do” - Bộ trưởng Dũng lý giải.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị VPCP báo cáo rõ lý do vì sao văn bản lại nằm ở VPCP lâu như thế. “Cái nào sai mình phải nhận không để các bộ nói VPCP làm rất lâu”.
Sau khi nghe đại diện Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ báo cáo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi: “VPCP biết lỗi tại đâu không?
Bộ gửi từ 1-5 mà vụ nói 5-5 mới nhận. Văn bản đi kiểu gì mà mất bốn ngày mới lên tới VPCP. Hiện VPCP đã điện tử hóa hết rồi thì không thể nào mà 4,5 ngày văn bản mới đến VPCP.
VPCP đã gửi lại sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực từ 24-6 đến nay 22-7 là gần tròn một tháng, vậy mà chúng ta cứ ngồi đây chờ. Lẽ ra chúng ta phải đôn đốc xem văn bản như thế nào.
Lẽ ra văn bản hôm nay là vụ phải báo cáo chi tiết nằm chỗ nào? Lỗi tại vụ ngồi sẵn trong phòng lạnh ngại ra ngoài nắng nóng.
Tôi muốn nói trong phối hợp, đôn đốc thì vụ chuyên ngành rất quan trọng, nhanh hay không là ở đấy. Có những vụ ở VPCP làm rất nhanh, có vụ cứ anh trả lúc nào tôi trình lúc đó mà không đôn đốc, chẳng khác nào làm công việc của văn thư cao cấp. Như thế là không đúng.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ rút kinh nghiệm. Ông Dũng kết lại trách nhiệm trong việc chậm trễ bảy nghị định của Bộ Nội vụ là lỗi tổng hợp cả VPCP và Bộ Nội vụ.
"Để nợ đọng như này là không được. Tôi đã nhắc việc này ít nhất ba lần” - Bộ trưởng gay gắt.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cac-bo-nganh-con-no-dong-26-van-ban-phap-luat-925790.html