Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng kiểm kê tài sản công
Tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc được tiến hành từ 0h ngày 1/1/2025. Qua 14 ngày thực hiện cho thấy, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chậm triển khai. Để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành việc tổng kiểm kê vào ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương vào cuộc hơn nữa.
Chưa tích cực vào cuộc
Thông tin bước đầu về tiến độ thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC) trên toàn quốc, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi trên Phần mềm tổng kiểm kê TSC cho thấy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc thì vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương còn đang chậm triển khai.
Theo đó, đến ngày 14/1/2025, có 24 bộ, cơ quan trung ương và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công. Cụ thể, về TSC là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đối với 24 bộ, ngành đã thực hiện chế độ báo cáo, hiện có 19 bộ, cơ quan trung ương (bao gồm cả hội) đã đăng ký đối tượng kiểm kê. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Bộ Tài chính (150 đơn vị), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (133 đơn vị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (129 đơn vị), Bộ Y tế (122 đơn vị)… Còn 5 bộ, ngành (bao gồm cả hội) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê.
Đối với 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo, có 57 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê. Trong đó, các địa phương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Nghệ An (748 đơn vị), Long An (734 đơn vị), thành phố Hà Nội (713 đơn vị), Hà Giang (566 đơn vị), Quảng Ninh (550 đơn vị), Hậu Giang (490 đơn vị), Bình Phước (436 đơn vị), Phú Thọ (436 đơn vị), Tiền Giang (412 đơn vị)… Hiện còn 1 tỉnh chưa đăng ký đối tượng kiểm kê.
Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, về phía các bộ, ngành, hiện có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện chế độ báo cáo, đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông khác.
Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đằng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa thể thao.
Có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4 - 5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều…
Thành phố Hà Nội đã đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện đăng ký.
Ngoài ra, có 31 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, 35 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Trong khi đó, việc quản lý nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị không thuộc thẩm quyền của các địa phương này.
Đáng chú ý, có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng, gồm: Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Bắc Giang, Bình Dương, Đắk Nông, Hà Nam, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ
Trước tiến độ triển khai còn chậm của các bộ, ngành, địa phương, trong khi cuối tháng 3 là thời hạn kết thúc tổng kiểm kê. Với vai trò là cơ quan được giao tổng hợp kết quả tổng kiểm kê của cả nước để báo cáo Chính phủ, ông Nguyễn Tân Thịnh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa.
Các mốc thời gian để hoàn thành kiểm kê tài sản công
Theo kế hoạch đặt ra đối với việc tổng kiểm kê TSC trên cả nước, đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính. Đến ngày 1/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp và kiến nghị biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, ông Thịnh cho biết, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký đối tượng báo cáo đối với từng loại TSC thuộc phạm vi quản lý và cập nhật báo cáo tiến độ kiểm kê (trong đó có nội dung về việc thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê, Kế hoạch kiểm kê, việc tập huấn, triển khai tổng kiểm kê) trên Phần mềm Tổng kiểm kê TSC.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng TSC, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm TSC được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 138/CĐ-TTg về thực hiện tổng kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiểm tra công tác thực hiện Tổng kiểm kê của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện tổng kiểm kê của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời tổng hợp số liệu tổng kiểm kê và đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức quản lý nhằm phát huy kết quả tổng kiểm kê, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác TSC.
Công tác chuẩn bị cho tổng kiểm kê tài sản công đã được thực hiện kỹ lưỡng
Thông tin về kết quả thực hiện công tác chuẩn bị cho việc tổng kiểm kê TSC, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, ngoài việc ban hành Kế hoạch triển khai Tổng kiểm kê TSC, Bộ Tài chính đã rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê và tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ, 6 địa phương.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã xây dựng Phần mềm tổng kiểm kê TSC để phục vụ việc kiểm kê, báo cáo kiểm kê và tổng hợp số liệu kiểm kê. Ban hành biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, cách thức tổng hợp kết quả Tổng kiểm kê và các nội dung cần thiết khác phục vụ công tác kiểm kê. Tổ chức 3 hội nghị để tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn việc tăng cường hạch toán, quản lý tài sản phục vụ công tác kiểm kê; thiết lập chuyên trang về tổng kiểm kê TSC trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã xây dựng các video hướng dẫn từng bước thao tác, nghiệp vụ kiểm kê theo hướng “cầm tay chỉ việc”; kịp thời đăng tải các văn bản hướng dẫn, tin tức về kiểm kê trên các báo, tạp chí của ngành, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Công bố danh sách công chức hỗ trợ thường xuyên, liên tục cho từng bộ, ngành, địa phương; cử cán bộ trực tiếp tập huấn nghiệp vụ cho 34 bộ, ngành, 57 địa phương. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 138/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thực hiện tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Về phía các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực thành lập Ban chỉ đạo tổng kiểm kê cũng như ban hành Kế hoạch triển khai tổng kiểm kê của bộ, ngành, địa phương. Trong đó có 13 bộ, ngành và 11 địa phương ban hành Kế hoạch đúng thời hạn (trong tháng 4/2024)...