Các Bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Đắk Nông (lĩnh vực Giáo dục)

Cử tri Đắk Nông đã có nhiều kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, liên quan đến nhiều nhóm vấn đề, lĩnh vực. Trên cơ sở trả lời cử tri của các Bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tổng hợp; Báo Đắk Nông trích đăng để cử tri tìm hiểu, nắm bắt.

Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị: Hiện nay nhiều học sinh, sinh viên ở địa phương mới ra trường được đào tạo bài bản nhưng không có việc làm. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương cũng như cả nước, nhằm đảm bảo cho học sinh, sinh viên ra trường có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cử tri bằng Công văn số 3284/BGDĐT-GDĐH ngày 27/8/2020 như sau:

1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 được sửa đổi, bổ sung khoản 36, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một sổ Điều của Luật Giáo dục đại học: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”. Thực hiện quy định này của Luật, với những ngành trọng yếu (sư phạm, sức khỏe), Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh hoặc Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo; với những ngành còn lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động xác định nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo thông qua các hoạt động sau:

Xin ý kiến Bộ chủ quản về nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo;

Khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo (Quy định tại Điều 6 Thông tư ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiếu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015);

Khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở để xã hội tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, chọn ngành cho con em theo học.

2. Để góp phần giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai những hoạt động sau:

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 09/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người sử dụng lao động thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cơ hội họp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp,...

Triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu liên quan, thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016-2020, như: nhiệm vụ “nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”; nhiệm vụ “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam”.

Tổ chức triển khai thực hiện một số đề án như: “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025”, “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương cũng như cả nước, nhằm đảm bảo cho học sinh, sinh viên ra trưòng có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

2: Cử tri tỉnh Đắk Nông có các kiến nghị: Hiện nay nhiều học sinh, sinh viên ở địa phương mới ra trường được đào tạo bài bản nhưng không có việc làm. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương cũng như cả nước, nhằm đảm bảo cho học sinh, sinh viên ra trường có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời: (Công văn số 3150/LĐTBXH-VP ngày 14/8/2020)

Thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp tham mưu hoặc chủ trì, phối hợp với một số Ban của Đảng, các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm phát triển lĩnh vực GDNN và bước đầu đã có những kết quả được ghi nhận: Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có trường trung cấp, cao đẳng; đã quy hoạch mạng lưới trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điềm quôc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo; hình thành và phát triển được một số trường nghề đặc thù để đào tạo cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trường đào tạo các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao). Kết quả tuyển sinh trung bình mỗi năm là khoảng trên 2 triệu người.

Hiệu quả đào tạo nghề đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và yêu cầu sử dụng của thị trường lao động, doanh nghiệp cũng như của người học được cộng đồng và xã hội ghi nhận. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85% (trong đó, cao đẳng đạt 87%, trung cấp đạt 82%). Một số trường có 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp có việc làm ngay như: trường Cao đẳng kỹ nghệ II, trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, trường Cao đẳng nghề số 1, trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II. Đối với ngành, nghề trọng điểm, tỷ lệ việc làm của học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%. Kỹ năng của người lao động được doanh nghiệp đánh giá đáp ứng 89.93% so với yêu cầu của doanh nghiệp.

Đạt được kết quả này là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong chỉ đạo và điều hành hoạt động của hệ thống GDNN. Bộ đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp để thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin về cung - cầu thị trường lao động, qua đó chỉ đạo, điều hành các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN. Cụ thể: Đã thành lập tổ công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác với các Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN. Thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý điều hành hoạt động GDNN, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN, xây dựng chuẩn đầu ra, kiểm tra đánh giá, phát triển chương trình đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Cục Việc làm điều tra “Thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” để thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và tình hình sử dụng lao động; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động.

Đ.D

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/tra-loi-cu-tri/cac-bo-nganh-trung-uong-tra-loi-y-kien-kien-nghi-cu-tri-dak-nong-linh-vuc-giao-duc-82927.html