Các bộ trưởng ASEAN kêu gọi đầu tư đa phương hơn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường

Hôm thứ Tư (1/9), các bộ trưởng ASEAN kêu gọi các quốc gia trong khu vực đầu tư đa phương hơn thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, xem đây như một giải pháp phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.

Tàu cao tốc của Trung Quốc là dự án hàng đầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ cải thiện đáng kể kết nối ở lục địa Đông Nam Á - Ảnh: AP

Bài liên quan

Những rắc rối trong chuỗi cung ứng ASEAN đẩy giá lương thực tăng ở Nhật Bản

Bà Harris kêu gọi hợp tác chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn với ASEAN

Những điểm đáng chú ý trong chuyến thăm ASEAN của Phó tổng thống Mỹ Harris

Gặp gỡ trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI), các bộ trưởng ASEAN cho biết khu vực đã được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số trong sáng kiến của Trung Quốc này. Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng cho rằng, các nước cần có thêm các sáng kiến mới nhằm đối phó với những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Sansern Samalap, Thứ trưởng Bộ thương mại Thái Lan cho biết: “Tôi cho rằng có nhiều yếu tố có thể thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác đa quốc gia trong khuôn khổ BRI”.

Ông Sansern đưa ra ví dụ rằng, dự án tầu cao tốc Trung Quốc-Thái Lan trị giá 5,75 tỷ USD sẽ gia tăng đầu tư vào Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Campuchia và Lào như một phần của hành lang kinh tế Trung Quốc-Đông Dương.

Vào tháng 10/2020, sau nhiều lần trì hoãn, tuyến đường dài 253 km ban đầu kết nối Bangkok với Nakhon Ratchasima - cửa ngõ vào đông bắc Thái Lan - đã chính thức chính ký kết. Giai đoạn một của quá trình xây dựng đã bắt đầu và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Tuyến 873 km cuối sẽ đi đến Viêng Chăn, thủ đô của Lào, từ đó tiếp tục đi đến Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.

“Các nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh này và sử dụng Thái Lan làm cửa ngõ vào tiểu vùng và ASEAN", ông Sansern nói.

Các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRI nói trên, bao gồm Gao Yunlong, Phó chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao.

Sáng kiến BRI được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013. Năm 2020, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hợp tác BRI với gần 140 quốc gia nhằm thúc đẩy kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, chủ yếu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.

Tan See Leng, Bộ trưởng nhân lực của Singapore, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng, việc đẩy nhanh các kế hoạch phát triển ASEAN cần được xem trọng hơn, nếu các quốc gia muốn vượt qua suy thoái kinh tế.

Ông Tan nói: “Trong bối cảnh hiện tại, BRI đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc tăng cường hợp tác khu vực và đa phương, thông qua thúc đẩy kết nối về cơ sở hạ tầng, tài chính và thương mại”.

Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng ở châu Á xuống 7,2% từ mức 7,3% được dự báo vào tháng 4, với lý do COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng và mức độ tiêm chủng thấp ở các nước châu Á.

Ông Tan cho biết Singapore sẽ hợp tác với Trung Quốc về một số khoản đầu tư trong các dự án BRI. Các công ty của hai nước đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hậu cần, thương mại điện tử, cơ sở hạ tầng, tài chính, dịch vụ và pháp lý.

Jerry Sambuaga, Thứ trưởng thương mại Indonesia, cho biết các dự án BRI đã thúc đẩy kết nối và tạo cơ hội kinh doanh giữa các nước trong khu vực. "Chúng ta phải duy trì mối quan hệ hợp tác cùng có lợi này trong bối cảnh những thách thức toàn cầu đang gia tăng".

Ông còn kêu gọi các quốc gia hợp tác nhiều hơn nữa trong các dự án du lịch Indonesia. Điều này vừa mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương, vừa giúp BRI có thể đi đến thỏa thuận Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

RCEP, một thỏa thuận thương mại tự do đa phương gồm 15 quốc gia được ký kết vào cuối năm 2020 bởi các thành viên ASEAN, cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, nó có thể phải trì hoãn do không phải tất cả các chính phủ đã phê chuẩn hiệp định.

Tuy nhiên, Singapore cho biết họ mong đợi hiệp định RCEP sẽ được thực hiện theo đúng tiến độ. “Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa RCEP để tạo lợi ích cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời đóng góp vào sự phục hồi kinh tế châu Á và củng cố niềm tin vào kinh tế dài hạn của châu Á”, ông Tan, Bộ trưởng nhân lực Singapore, cho biết.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-bo-truong-asean-keu-goi-dau-tu-da-phuong-hon-tu-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-post153797.html