Các bộ trưởng tài chính G7 chuẩn bị 'vật lộn' với khủng hoảng ngân hàng, bế tắc trần nợ
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các quốc gia giàu có nhất thế giới (G7) sẽ tập trung tại Nhật Bản trong tuần này, với một danh sách ngày càng nhiều các vấn đề cấp bách cần thảo luận, từ nguy cơ phá sản nhiều ngân hàng, nhu cầu cơ cấu lại nợ cho đến mối đe dọa vỡ nợ của Mỹ.
Trong khi các cuộc họp gần đây của Bộ trưởng tài chính G20 gặp khó khăn để đạt được sự đồng thuận do sự chia rẽ về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thì Nhóm G7, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Canada, đã chứng tỏ là một liên minh có tính phối hợp hơn.
Các quan chức tài chính sẽ gặp nhau từ thứ Năm đến thứ Bảy tuần này, tại thành phố Niigata phía bắc Nhật Bản. Dưới đây là những vấn đề chính sẽ được chú ý tại hội nghị này:
Ổn định tài chính
Sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và vụ việc UBS tiếp quản Credit Suisse, thế giới đã cảnh giác với tình trạng tưởng chừng như ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Sự thất bại của Ngân hàng First Republic đã làm tăng thêm những lo ngại đó.
Cho đến nay, các bộ trưởng tài chính đã đảm bảo rằng, tác động đối với nền kinh tế và thị trường từ những ngân hàng sụp đổ trên là hạn chế và tình hình pháp lý đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, họ cũng cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến.
Ngày 9/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, các thành viên G7 sẽ thảo luận về cách củng cố hệ thống tài chính toàn cầu. Nhóm này sẽ vạch ra các kế hoạch để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt của ngân hàng dẫn đến sự sụp đổ của SVB, tờ Nikkei đã đưa tin trước đó.
Trần nợ của Mỹ
Các quan chức tài chính rất muốn nghe thông tin mới nhất về bế tắc trần nợ của Mỹ từ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Tại các cuộc họp, bà Yellen nói rằng “đơn giản là không có lựa chọn tốt nào” để giải quyết bế tắc ở Washington ngoài việc Quốc hội dỡ bỏ giới hạn trần nợ.
Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đang căng thẳng về việc tăng giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD với các nhà lãnh đạo Hạ viện yêu cầu những lời hứa cắt giảm chi tiêu trong tương lai trước khi họ thông qua mức trần cao hơn. Ông Biden đã nhấn mạnh vào việc tăng "sạch" với các cuộc thảo luận về ngân sách được giữ riêng biệt.
Chuỗi cung ứng
Cách một quốc gia xây dựng chuỗi cung ứng của mình đã trở thành đại diện cho màu sắc địa chính trị của quốc gia đó. Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh tham gia hạn chế bán các sản phẩm chiến lược như một số mặt hàng bán dẫn xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong G7 cũng đang đi theo hướng đó.
Nhưng nó không chỉ là chip. Các bộ trưởng G-7 đã gặp nhau để thảo luận về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo, Hokkaido vào tháng 4 vừa qua về các cách cải thiện chuỗi cung ứng các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Các nhà lãnh đạo tài chính đã đồng ý hướng dẫn chính sách để xây dựng chuỗi cung ứng “kiên cường” trong cuộc họp tháng 4. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết cuộc họp ở Niigata sẽ tìm cách đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn.
Một tuyên bố chung cũng có thể nhấn mạnh đến việc cải thiện điều kiện lao động và thúc đẩy năng lượng sạch như một phần trong lập trường của G7 về chuỗi cung ứng - một động thái trái ngược với việc mở rộng các nhà máy điện than gần đây của Trung Quốc.
Nợ tại các thị trường mới nổi
Số phận của Sri Lanka tiếp tục bị treo lơ lửng khi các chủ nợ chính của nước này - Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và các nước khác - vẫn chưa đạt được thỏa thuận về cách tiếp tục trả nợ. Tuy nhiên, một cuộc họp chủ nợ khai mạc đã được tổ chức vào ngày 9/5, với Trung Quốc trong vai trò quan sát viên.
Một kịch bản khủng hoảng nợ tương tự cũng đang diễn ra ở Zambia và Ghana, nhưng hai quốc gia này cũng có thể sớm đạt được tiến bộ.
Các bộ trưởng tài chính cũng dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề nợ nần chồng chất ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cũng như cách để Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm giảm bớt căng thẳng.
Trung Quốc đã giảm bớt quan điểm của mình rằng các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới phải gánh chịu các khoản lỗ do nợ nần cùng với tất cả các chủ nợ khác. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn bế tắc trong việc tái cấu trúc các khoản nợ của các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn ngay cả sau khi Ngân hàng Thế giới nỗ lực bổ sung để cung cấp các khoản vay và trợ cấp lãi suất cực thấp cho các quốc gia đó, theo giám đốc của tổ chức cho vay toàn cầu này.
Lạm phát
Lạm phát trên toàn thế giới vẫn còn khá khó khăn, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu nhấn mạnh rằng động thái tăng lãi suất trong tháng 5 của họ - dù nhỏ - sẽ không phải là lần cuối cùng. Ngân hàng Dự trữ Australia cũng quyết định tăng lãi suất một lần nữa sau một thời gian tạm dừng, trong một động thái bất ngờ làm rung chuyển thị trường vào đầu tháng này.
Các quốc gia G7 có thể sẽ tiếp tục thảo luận về cách chế ngự giá cả đồng thời tránh suy thoái hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu.
Tiền điện tử
Tài sản tiền điện tử vẫn nằm trong chương trình nghị sự. Những lo ngại về bảo mật đối với tiền kỹ thuật số gần đây đã gia tăng sau khi các nhóm hacker bị cáo buộc đã đánh cắp 100 triệu USD trong một cuộc tấn công dịch vụ tiền điện tử vào năm ngoái.
Những người ủng hộ quyền riêng tư cũng lo lắng về việc mất tính ẩn danh và khả năng bị chính phủ giám sát, với việc Trung Quốc là nước đi đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm tung ra một loại tiền kỹ thuật số lớn của ngân hàng trung ương.
Vào tháng 4, Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính liên chính phủ đã họp tại Tokyo và đồng ý rằng, điều quan trọng là phải thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế đối với tài sản tiền điện tử cũng như theo dõi và xem xét các rủi ro mới./.