Các bước chăm sóc sau phun xăm môi để có hiệu quả cao nhất
Sau khi phun xăm môi, để hạn chế nhiễm trùng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi, lên màu đẹp, cần phải chăm sóc, dưỡng môi cẩn thận mới đạt hiệu quả.
1. Sau phun xăm môi thường gặp những vấn đề gì?
Hiện nay các thiết bị cũng như kỹ thuật phun xăm môi đã được cải tiến rất nhiều. Mặc dù quá trình phun xăm chỉ tác động nhẹ nông trên bề mặt, nhưng vẫn để lại tổn thương trên môi. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào tay nghề của người thực hiện phun môi; vào độ nhạy cảm của người đi làm đẹp và một trong những yếu tố quan trọng là chăm sóc môi sau phun xăm.
Các vấn đề thường gặp sau khi phun xăm môi có thể kể đến:
1.1. Tổn thương sau phun xăm môi
Cảm giác châm chích, đau rát nhẹ là do tổn thương nông trên bề mặt môi. Tình trạng này gặp ở hầu hết các trường hợp, sẽ giảm dần và hết dần sau khi lớp da môi bong tróc hết, nghĩa là khoảng 5-7 ngày sau phun môi.
Ngoài ra, sưng nề và đỏ vùng môi là tổn thương thường gặp. Nguyên nhân thường do kỹ thuật viên phun xăm không có chuyên môn hoặc không đảm bảo quy trình an toàn trong quá trình tiến hành thủ thuật xăm. Mức độ sưng nề còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Tình trạng sưng nề nhẹ có thể hết sau 3 ngày. Trường hợp sưng nhiều sẽ hết sau khoảng 5-7 ngày.
1.2. Nhiễm trùng
- Nhiễm vi khuẩn tại chỗ là một trong các vấn đề thường gặp với các biểu hiện sưng, tấy đỏ, tụ mủ, chảy máu, nổi mụn gây sẹo vĩnh viễn...
- Nguy cơ nhiễm herpes sau khi phun xăm có thể gặp với tỉ lệ không nhỏ, đặc biệt là nếu bạn đi phun môi ở những cơ sở không uy tín, không bảo đảm vệ sinh.
Nhiễm herpes xuất hiện sau phun xăm vài ngày với các biểu hiện có các dát đỏ vùng cẳng - bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó các nốt đỏ này xuất hiện rải rác toàn thân. Trên môi xuất hiện các mụn nước, rộp môi. Có trường hợp xuất hiện tổn thương do herpes ở môi 10 ngày đến 2 tuần trước khi các triệu chứng xuất hiện trên người.
Đây là một dạng hồng ban đa dạng điển hình do nhiễm herpes. Trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 3-6 tuần và chỉ cần điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng. Với trường hợp nhiễm herpes nặng có thể gây đau rát và ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV… mặc dù hiếm gặp khi phun môi, nhưng nguy cơ này không phải là không có.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi phun môi không đảm bảo các yếu tố vô trùng trong cả quá trình. Kỹ thuật viên tiết kiệm không thay kim phun mà tái sử dụng kim dùng của người khác…
1.3. Dị ứng
Dị ứng với mực phun xăm cũng thường gặp, nhất là với người có cơ địa dị ứng. Nguy cơ dị ứng tăng lên nếu sử dụng mực xăm không rõ nguồn gốc. Biểu hiện của dị ứng dễ nhận thấy như môi ngứa, sần lên giống như tình trạng viêm da tiếp xúc.
Ngoài các tình trạng nêu trên, sau phun môi, dù sử dụng phương pháp, công nghệ tiên tiến nào thì cũng sẽ gặp tình trạng:
Bong tróc, ngứa nhẹ sau phun môi.
Cảm giác khô môi trong vòng 2 tuần sau phun.
Đây là quá trình diễn ra tự nhiên, chỉ cần chú ý vệ sinh, chăm sóc, dưỡng môi cẩn thận thì tình trạng này sẽ hết sau một thời gian
2. Cách chăm sóc sau phun xăm môi
Quá trình chăm sóc môi sau phun là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thẩm mỹ của việc phun xăm môi.
Quá trình này chia ra từng giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sau phun môi trong 3-5 ngày đầu, việc vệ sinh môi là yếu tố rất quan trọng. Giai đoạn này cần tránh để môi tiếp xúc với nước sinh hoạt; không được đánh răng mà chỉ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý. Ở giai đoạn này nếu quá trình vệ sinh không bảo đảm thì nguy cơ nhiễm trùng sẽ làm giảm hiệu quả thẩm mỹ, thậm chí là gây hậu quả nghiêm trọng hơn là để lại sẹo…
Do đó, để vệ sinh môi giai đoạn này, cần thực hiện các bước:
+ Chuẩn bị: Gạc y tế, dung dịch nước muối NaCl 0,9%.
+ Cách thực hiện: Làm ấm nước muối trước, sau đó thấm nước muối ấm vào gạc y tế rồi lau nhẹ nhàng lên vùng môi. Sử dụng miếng gạc sạch khác để thấm cho khô môi. Không lau môi mạnh vì sẽ khiến sưng nề, đau rát hơn và bong tróc sớm hơn lộ trình. Mỗi ngày nên làm sạch môi 2-3 lần.
+ Chăm sóc: Nếu thấy có dịch ra ở môi thì dùng bông sạch thấm khô. Không sờ tay lên môi. Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh bụi bẩn.
Dùng khăn mỏng bọc đá (tránh để ướt khăn, dính nước vào môi hoặc đá quá lạnh gây bỏng lạnh) rồi chườm đá quanh môi để giảm sưng đau (nếu có).
Có thể dùng thuốc mỡ tra mắt tetracyclin để bôi môi giai đoạn này, nhưng cần theo hướng dẫn.
Nên hạn chế ăn các món ăn mặn, đặc biệt có nước mắm vì sẽ làm tăng tình trạng đau. Tốt nhất nên ăn thức ăn mềm, lỏng. Dùng ống hút để uống nước.
- Giai đoạn 2: Từ 5-7 ngày sau phun môi vẫn phải tiếp tục làm sạch môi đều đặn mỗi ngày. Nếu vẫn còn sưng, tiếp tục chườm đá.
Giai đoạn này môi bắt đầu bong tróc lớp ngoài, chú ý không được dùng mọi biện pháp vật lý để đẩy nhanh quá trình bong tróc, không được tẩy da chết vùng môi. Tránh để môi tiếp xúc với các hoạt chất có tính tẩy rửa vì sẽ làm màu môi lên không được như ý và có thể làm tăng tổn thương cho môi, kéo dài tình trạng sưng nề.
Nên sử dụng một số loại dưỡng ẩm chuyên dùng cho môi sau phun hoặc thoa thuốc mỡ dành cho môi để kích thích nhanh lên da non và mau lành tổn thương.
- Giai đoạn 3:Khoảng 7 ngày sau phun xăm thì môi sẽ bong tróc, lớp da môi mới được phun bắt đầu được lộ ra, màu môi sẽ lên đúng màu nếu được vệ sinh, chăm sóc tốt ở 2 giai đoạn trước.
Giai đoạn này có thể vẫn tiếp tục bị bong lớp da môi rất mỏng, khiến môi khô khá khó chịu, nhưng tuyệt đối không được dùng các biện pháp vật lý để làm sạch. Có thể sử dụng các loại tẩy da chết nhẹ, dạng gel để giảm ma sát, không nên dùng tẩy da chết các loại dạng hạt, vì dễ gây tổn thương. Có thể bôi kem dưỡng ẩm cho môi, dầu dừa để hạn chế khô môi và không ảnh hưởng đến màu môi. Duy trì chế độ ăn như giai đoạn trước.
Sau khi môi bong hết và ổn định, có thể dùng kem vaseline để giữ ẩm và bảo vệ lớp biểu mô vùng môi tốt hơn. Khi môi chưa ổn định hẳn, không nên hôn môi.
- Giai đoạn 4:Sau phun xăm khoảng 30 ngày là thời gian mà môi ổn định và lên màu. Để màu môi được như ý và da môi bóng đẹp hay không, quá trình cần chăm sóc theo các bước:
Dùng tẩy tế bào chết dành cho môi mỗi tuần 1 lần.
Dùng kem dưỡng môi hằng ngày, mỗi ngày thoa 3-4 lần.
Không tô son vì sẽ làm cho môi nhanh bị khô.
Hạn chế sử dụng rượu bia, cafe, trà và cách chất kích thích khác.
Có thể ăn uống bình thường, nhưng không ăn/uống các loại thực phẩm có màu đậm, cay, nóng, nhiều gia vị.
Uống đủ nước, tốt nhất là nước lọc, nước dừa tươi, nước cam.
Sau 1 tháng, nếu màu môi chưa được ưng ý, đều màu thì có thể tiến hành dặm sửa lại. Nếu sau khi phun xăm môi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đi khám ngay để điều trị để được xử lý sớm.