Các cặp đôi hạnh phúc thường tranh cãi về vấn đề gì?
Cuộc hôn nhân nào cũng có cãi vã, song một nghiên cứu trên 121 cặp vợ chồng đã cho thấy các cặp đôi hạnh phúc có xu hướng tranh cãi về một số chủ đề nhất định.
Những cặp đôi trong khảo sát đều nhận xét tình trạng hôn nhân đang ở mức hạnh phúc và các chủ đề tranh cãi thường là những chủ đề có thể giải quyết được trên thực tế, giả dụ như: ai sẽ làm việc nhà hay sử dụng thời gian rảnh rỗi như thế nào. Trong khi đó, các chủ đề “khó nhằn” hơn – ví dụ như tôn giáo hay họ hàng hai bên – thường không được thảo luận nhiều. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nhân tố quan trọng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc chính là không khởi đầu hoặc né tránh những cuộc tranh luận không có cách giải quyết rõ ràng.
“Các cặp đôi hạnh phúc có xu hướng tiếp cận bất đồng theo cách hướng đến cách giải quyết, và điều này được thể hiện rõ ràng trong chủ đề tranh luận của họ”, nhà tâm lý học Amy Rauer (ĐH Tennessee, Knoxville) cho biết.
Đối tượng nghiên cứu bao gồm hai nhóm tuổi: 57 cặp đôi ngoài 30 tuổi, thời gian kết hôn trung bình khoảng 9 năm và một nhóm gồm 64 cặp đôi trong độ tuổi 70 và đã kết hôn trung bình 42 năm.
Khi được yêu cầu xếp hạng mức độ quan trọng của các yếu tố gây bất đồng, các cặp đôi ở cả hai nhóm tuổi đều xếp các vấn đề về sự thân mật, thời gian rảnh rỗi, việc nhà, giao tiếp và tiền bạc là những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Ngoài ra, sức khỏe cũng là vấn đề hàng đầu ở nhóm cao tuổi. Các vấn đề về sự ghen tuông, tôn giáo, hay gia đình đều được đánh giá ít nghiêm trọng hơn.
Việc tập trung vào các vấn đề có giải pháp rõ ràng có thể làm tăng cảm giác an toàn trong mối quan hệ, cũng như cảm giác đạt được thành tựu khi một vấn đề nào đó được giải quyết. Ngược lại, những vấn đề như sự thân mật có thể dẫn đến cảm giác thiếu an toàn hoặc xấu hổ, theo Rauer và các đồng nghiệp nhận định.
Nhóm các cặp đôi đã gắn bó lâu hơn, nhìn chung, tranh cãi ít hơn và thường gặp phải ít vấn đề nghiêm trọng hơn. Có thể, càng gắn bó với nhau lâu, con người càng xử lý các cuộc tranh cãi tốt hơn.
Tuy nhiên, không nên sử dụng kết quả từ 121 cặp đôi này để khái quát hóa thành tình trạng chung của mọi cặp đôi. Thứ nhất, mức độ hạnh phúc được đánh giá một cách chủ quan từ cặp đôi, các nhà nghiên cứu cũng không thực sự biết họ hạnh phúc ra sao, theo cái nhìn khách quan. Các cặp đôi thực hiện nghiên cứu cũng đều có tình trạng tài chính ổn định và là các cặp da trắng dị tính. Do đó, đây chỉ là một nhóm nghiên cứu mẫu rất nhỏ.
Song kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số bài học giúp chúng ta tìm đúng người để kết hôn và tìm đúng vấn đề để tranh luận với nhau. Khả năng phân biệt được các vấn đề cần được giải quyết và vấn đề nên gạt sang một bên có thể là một trong những chìa khóa mở ra mối quan hệ hạnh phúc lâu dài.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Family Process.