Các cặp đôi 'mua nhà rồi mới cưới' như thế nào?
Chuẩn bị mua nhà trước khi kết hôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Không chỉ liên quan đến tài chính, mà còn là sự đồng lòng giữa cả 2 bên.
Mua nhà để giảm áp lực tài chính sau khi kết hôn
"Phải mua nhà rồi mới cưới" từng là suy nghĩ của nhiều người trước khi kết hôn. Bên cạnh hôn nhân, thì vấn đề tài chính cũng quan trọng không kém.
Nguyễn Thảo (27 tuổi, Bắc Giang) chia sẻ: "Khoảng thời gian trước khi kết hôn, tụi mình đều chỉ mới đi làm được 2-3 năm. Trong tay hai đứa lúc đó đều chưa có gì cả, vì bao nhiêu tiền tích góp được đều dùng để lo liệu đám cưới. Nhưng tụi mình có chung một mục tiêu, là phải mua được nhà trước khi về ở với nhau. Tụi mình cũng bàn với nhau, chọn mảnh đất vừa khả năng, tiền bạc sẽ góp rồi vay mượn thêm. Giá đất cách đây vài năm cũng khá rẻ, chứ không cao như bây giờ, mua xong đứng tên 2 người và cùng nhau trả nợ. Tụi mình đăng ký kết hôn trước 1 tháng cưới, để hợp thức hóa làm tài sản chung. Sau đó, thì cùng nhau cố gắng, dự tính sẽ trả nợ trong 5 năm. Nhưng thực tế thì, sau hơn 1 năm đã trả hết được nợ nhà. Chỉ cần đồng lòng cùng nhau thì từ từ sẽ có được những thứ mình muốn. Quan trọng nhất, là hiểu cho nhau và biết phấn đấu”.
Được sự giúp đỡ từ gia đình 2 bên, nên chuyện mua nhà trước khi cưới khá suôn sẻ. Thanh Vân (27 tuổi, TPHCM) cho biết: "Tụi mình mua nhà trước khi kết hôn được nửa năm. Tài chính chủ yếu là từ chồng mình, cũng được gia đình hỗ trợ nên mua đứt được 1 căn nhà ở Sài Gòn. Mình làm ngân hàng nên tiền lương chỉ đủ mua sắm nội thất." Thanh Vân cũng cho biết thêm, phần lớn tài chính trong gia đình là do chồng cô lo liệu, và Vân phụ trách việc quản lý, cân đo đong đếm chi tiêu. 2 vợ chồng cô đã biết nhau được 10 năm, có lẽ đã quá hiểu nhau, nên chưa từng xảy ra tranh cãi trong chuyện mua nhà trước khi cưới.
Còn với Hoàng Long (28 tuổi, Vĩnh Phúc), cũng chuẩn bị bước vào hôn nhân với 1 căn nhà và 1 chiếc xe ô tô. Với Long, mục tiêu trước khi cưới vợ, là phải có nhà có xe mới đảm bảo: "Mình không muốn khi kết hôn rồi mà 2 vợ chồng phải lo toan chuyện nhà cửa, hay xe cộ. Có nhiều thứ ảnh hưởng đến hôn nhân, nhưng với mình tài chính là thứ rất quan trọng. Yêu đương thì có thể tiền anh anh tiêu, tiền em em xài. Nhưng cưới nhau rồi, vấn đề tiền bạc đôi khi là trở ngại rất lớn. Chính vì thế, trước khi kết hôn, mình cũng cố gắng chuẩn bị những thứ cơ bản nhất, như nhà, xe hay sổ tiết kiệm. Mình không muốn khi mới lấy nhau về, đã phải lo toan chuyện tiền bạc. Rất mệt mỏi!".
Vậy nên, ở tuổi 28, Long đã hoàn thành được mục tiêu mua căn chung cư 2 phòng ngủ 1 phòng khách, và sở hữu chiếc ô tô đầu tiên. Điều này cũng giúp vợ sắp cưới của anh nhẹ nhõm phần nào trong chuyện kinh tế.
Chuẩn bị tài chính thế nào để mua được nhà trước khi cưới?
Nếu không thể chờ đợi đến khi 1 trong 2 có khả năng mua nhà rồi mới cưới, thì những cặp đôi có thể lựa chọn việc vay nợ mua nhà, và cùng nhau gánh vác món nợ đó. Nguyên Thảo chia sẻ: "Khi không có sự giúp sức từ nội ngoại 2 bên, vợ chồng mình tự thân lo món nợ mua nhà. Từ 2 bàn tay trắng nên mọi tính toán đều cần kỹ càng hơn. Không chỉ là khoản tiền đặt cọc trước, mà còn cần tính toán thêm khoản vay, lãi suất, thu nhập và thời gian trả nợ. Hồi mới cưới xong, vừa vui vì có nhà riêng để ở, nhưng cũng phần nào siết chặt chi tiêu hơn để việc trả nợ không quá áp lực.
Tụi mình thống nhất cùng nhau dành ra khoảng 50% thu nhập của cả 2 bên để lo phần nợ nhà. Số còn lại thì dành để lo chi tiêu, cũng như tiết kiệm thêm 1 phần. Tụi mình kinh doanh riêng nên thu nhập cũng linh động theo tháng. Tháng nào bán được hàng, kiếm được tiền thì nộp thêm vào sổ tiết kiệm, phòng cho tháng nào không lời lãi nhiều. Cứ góp nhặt như thế cho đến khi trả nợ xong. Trong quá trình đó, tụi mình cũng có những khoản tiền để đảm bảo sức khỏe tài chính cho gia đình nữa”.
Một căn nhà trước khi cưới với nhiều người là hành trang vững chãi cho gia đình về sau. Khi có tổ ẩm riêng, thì việc sau này của 2 vợ chồng là cùng nhau vun vén. Thanh Vân cho biết, vì đã có sẵn tài sản tích lũy trước đó, nên việc mua nhà cũng đỡ vất vả hơn mọi người: "Chồng mình tuy không giỏi quản lý chi tiêu, nhưng lại có tài sản riêng. Mình làm việc tại ngân hàng nên chồng rất tin tưởng để giao trách nhiệm quản lý." Theo đó, trong việc mua nhà, chồng Thanh Vân góp tài chính, còn cô góp phần lo mọi vấn đề liên quan đến sửa nhà, lựa chọn vật liệu và sắm sửa nội thất. Mọi việc đều được chia đều nên khá thoải mái trước việc chuẩn bị tổ ấm cho hôn nhân.
Đứng ở góc độ suy nghĩ khác, Hoàng Long cho rằng: "Việc mua nhà trước khi kết hôn đã nằm sẵn trong kế hoạch tài chính của mình. Trong khoảng thời gian yêu đương mình cũng nói chuyện rõ ràng cùng bạn gái, là không cần lo toan chuyện nhà cửa, vì mình đã lo xong. Mình cũng đề nghị vợ sắp cưới cùng đứng chung tên nhà, coi như là món quà cưới nhỏ mình chuẩn bị. Còn về phần tài chính, sau này sẽ cùng ngồi để bàn bạc với nhau, xem khoản chi tiêu trong gia đình tính toán thế nào. Góp gạo thổi cơm chung là vấn đề của 2 người. Nếu như cùng chung chí hướng, đồng lòng xây dựng gia đình, thì mình nghĩ mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi”.