Các cặp đồng tính đăng ký kết hôn qua mạng dù vô giá trị
Do Trung Quốc không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, hơn 3.000 cặp đồng tính chuyển sang làm giấy đăng ký kết hôn ảo với mong muốn được công nhận mối quan hệ.
Guo và Zhu mệt mỏi khi phải chờ đợi Trung Quốc hợp pháp hôn nhân đồng giới. Hai người đã đính hôn được 3 năm rồi. Vì vậy, họ quyết định lên Internet để được mọi người công nhận về mối quan hệ.
Hai người đàn ông này cùng với hàng nghìn cặp khác đã “tổ chức” đám cưới của họ thông qua một ứng dụng trực tuyến. Tại đây, họ nhận được một giấy đăng ký kết hôn “không chính thức”.
Năm 2019, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là một trong số những ý kiến hàng đầu được công chúng đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý của các nhà lập pháp.
Tuy nhiên, các văn bản luật vẫn chỉ đề cập rằng “hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông được gọi là chồng và một người phụ nữ được gọi là vợ”. Điều này khiến cho một bộ phận cộng đồng LGBT quốc gia này cảm thấy chán chường.
“Tôi thất vọng vô cùng”, nhà hoạt động xã hội Sun Wenlin nói. Anh chính là trường hợp đầu tiên đệ đơn lên tòa án Trung Quốc xin được kết hôn với người bạn đời cùng giới tính vào năm 2015, nhưng đáng tiếc lại thất bại.
Trước tình hình này, Sun cho ra mắt một ứng dụng tổ chức đám cưới cho các cặp đồng tính trên WeChat. Tính tới thời điểm này, có hơn 3.000 cặp đã nhận được giấy chứng nhận kết hôn “ảo”.
“Zhu và tôi đã ở bên nhau hơn một thập kỷ rồi. Vậy mà chúng tôi không được hưởng quyền lợi như các đôi bình thường khác, ví dụ như việc được nghỉ phép để chăm sóc người bạn đời bị ốm”, Guo chia sẻ.
“Quyền kết hôn phải thừa nhận rằng mọi mối quan hệ, đồng giới hay khác giới, đều bình đẳng và quan trọng như nhau”, anh nói thêm.
Nỗ lực đấu tranh bị chối bỏ
Trung Quốc đã chính thức loại bỏ đồng tính khỏi danh sách các bệnh tâm thần từ năm 2001. Tuy nhiên, các nhà kiểm duyệt vẫn cấm các nội dung liên quan đến người đồng tính trên mọi phương diện, từ phim ảnh đến mạng xã hội.
Thậm chí, họ còn không cho phép bán các mặt hàng in hình cầu vồng do lo ngại trùng với biểu tượng của cộng đồng LGBT.
Ở quốc gia này, chỉ những cặp đã kết hôn mới được phép nhận con nuôi, hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc cùng nhau đứng tên mua nhà.
He Meili sẵn sàng xin nghỉ công việc y tá để ở nhà chăm sóc người bạn đời suốt 12 năm, cho tới khi người phụ nữ ấy qua đời vào năm 2016.
Sau khi đám tang kết thúc, gia đình bên đó lập tức đuổi He ra khỏi căn nhà chung của hai người. Khi cô khởi kiện, phán quyết của tòa án cũng chẳng nghiêng về phía He vì mối quan hệ đồng giới không được công nhận hợp pháp.
Trong những năm gần đây, hàng trăm nghìn người dũng cảm đứng lên chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ và gửi cho các nhà lập pháp. Họ hy vọng hành động này có thể làm “thức tỉnh” Trung Quốc và tạo ra những thay đổi lớn về luật hôn nhân.
Theo các quan chức ở quốc gia này, họ nhận được hơn 237.000 đề xuất thay đổi trên Internet và ít nhất 5.600 lá thư ủng hộ điều luật mới, bao gồm kết hôn đồng giới và thay đổi định nghĩa về “người thân trong gia đình”.
Trong những bức thư gửi đi, cộng đồng LGBT bày tỏ những khó khăn mà họ phải đối mặt, như việc phải giấu kín chuyện tình cảm đồng giới nơi làm việc.
Ngoài ra, để được trở thành bố mẹ hợp pháp, một số cặp đồng phải tìm kiếm người đẻ thuê hoặc phương pháp sinh nở tại nước ngoài với chi phí vô cùng tốn kém.
Tuy nhiên, những nỗ lực của họ đều bị phủ nhận. Huang Wei, một quan chức thuộc Ủy ban Pháp chế Trung Quốc, nói rằng hầu hết lá thư có nội dung giống y hệt nhau.
“Chúng được gửi trong cùng một kiểu phong bì và có văn phong giống nhau. Các tin nhắn online cũng tương tự”, ông nói.
Phát ngôn của ông Huang đưa ra khiến cộng đồng LGBT vô cùng tức giận.
“Nếu những nhà lập pháp tôn trọng ý kiến của quần chúng, họ nên nghiên cứu và điều tra về các vấn đề chúng tôi gặp phải. Kể cả họ bất đồng thì cũng phải nói rõ nguyên do với chúng tôi chứ”, Sun nói.
“Có quá ít nghiên cứu về đời sống cũng như các vấn đề mà cộng đồng LGBT Trung Quốc gặp phải. Điều này gây cản trở không ít tới việc thấu hiểu những khó khăn chúng tôi phải đối mặt”, anh chia sẻ.