Các chân trời văn hóa: Hai cực của tư duy Pháp
Descartes, đó là nước Pháp (3)
Đây là tên một tác phẩm, xuất bản năm 1987 của André Glucsmann (Ăng-đrê Gluych-xman) thuộc phái “triết học mới”.
Một đặc điểm của Pháp là tính đa dạng, thể hiện ở mọi lĩnh vực, kể cả triết học. Trong quá trình tiến triển, tư duy Pháp luôn “đu đưa” giữa hai cực, giữa trừu tượng và cụ thể, giữa đầu óc và phân tán, giữa lý tính và phi lý tính.
Tiêu biểu về mặt này là sự đối lập giữa hai tính cách Descartes–Pascal. Cả hai đều là nhà triết học và khoa học, sống vào thế kỉ 17. Descartes - nhà toán học và logic học tìm một “phương pháp luận” lý tính để nắm thực tế; Pascal là triết gia tôn giáo thần bí, dựa vào tâm linh để cảm thông với cái siêu nhiên.
Descartes (1596-1650) xuất thân từ một gia đình quý tộc tư pháp - hành chính. Có cuộc sống phong lưu, ông giữ độc lập tư tưởng, thường ở Hà Lan để tránh bị giáo hội Công giáo dòm ngó. Ông đi nhiều nơi để quan sát, giao thiệp rộng, có tham gia cuộc “Chiến tranh 30 năm”.
Ông có những đóng góp khoa học có giá trị: Ông sáng tạo môn hình học giải tích (géométrie analytique: Áp dụng đại số học vào hình học). Ông có quan điểm duy vật trong vật lý học. Theo ông, tự nhiên bao gồm những hạt vật chất nhỏ di chuyển trong không gian một cách vĩnh viễn theo quy luật cơ học.
Triết học Descartes duy tâm, theo nhị nguyên luận. Ông cho là có hai bản nguyên: nhục thể tức vật chất mà thuộc tính là quảng tính; linh hồn tức tinh thần mà thuộc tính là tư duy. Như vậy, tinh thần và vật chất đối lập nhau, phải có thượng đế quyết định; ý thức tách khỏi vật chất và lịch sử.
Như vậy, điểm chắc chắn đầu tiên là: ta nhận thức được ta là ta “tư duy (nghĩ), vậy thì ta tồn tại ta là có thật” (Je pense, donc, je suis). Từ xuất phát điểm duy tâm ấy, tư duy suy luận ra là Thượng đế và thế giới vật chất cũng đều có thật (tồn tại thật). Giác quan chỉ đưa lại một quan niệm mơ hồ về sự vật; bản thân lý tính (qua trực giác) mới quan điểm được chân lý (chứ không phải là nhờ thực tiễn và kinh nghiệm).
Tác phẩm lớn của Descartes là Luận văn về phương pháp (Discours de la méthode, 1637) để tìm chân lý trong khoa học. Ông đề ra bốn quy tắc cơ bản, chỉ công nhận một chân lý khi nó thật là hiển nhiên: Phân tích, tổng hợp tính tất cả các yếu tố không để sót.
Những quan điểm duy vật của ông thúc đẩy khoa học và triết học tiến bộ, có ảnh hưởng đến văn học cổ điển Pháp. Mặt khác, ông có điều hòa tôn giáo và khoa học.
Pascal (1623-1662) là một thiên tài khoa học. Tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: Những bức thư viết cho một người ở tỉnh nhỏ (Les Provinciales, 1656-1657) luận về Ân chúa; Suy nghĩ (Penseé, xuất bản khi ông mất) tập hợp một số ghi chép làm sườn trong một tác phẩm lớn nhằm thuyết phục người vô thần tin theo đạo Kitô. Ở phương Tây hiện nay, Pascal được đánh giá cao: không nhận văn chương lôi cuốn mà tư duy sâu sắc, băn khoăn siêu hình về số phận con người trước vũ trụ và cái chết. Ông được coi là tổ sư của chủ nghĩa hiện sinh trước cả Kierkegaard.
Trong tập Suy nghĩ có một số luận điểm nổi tiếng:
Luận điểm Hai vô cực (Les deux infinis): Con người làm sao mà hiểu được chân lý bằng lý tính và khoa học. Con người bồng bềnh giữa hai vô cực. Người nào cũng không có khả năng nhìn thấy hư vô là gốc của mình và vô cực là nơi mình sẽ chìm vào”.
Luận điểm cây sậy biết suy nghĩ (Le Roseau pensant): Con người là một sinh vật vô cực về hồn và xác nhưng lại vĩ đại. “Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt nhất thiên nhiên, nhưng đó là cây sậy biết suy nghĩ”.
Luận điểm sự đánh cuộc (Le Pari): Lý tính không thể chứng minh được là có Thượng đế, có đời sống bất tử hay không. Trong khi lưỡng lự, nên đánh cuộc là có Thượng đế, có linh hồn bất tử, vì nếu thua cuộc thì chỉ mất một cuộc đời trần gian ngắn ngủi và khổ sở, nếu được thì được cả thiên đường vĩnh cửu.
Luận điểm giải trí (Divertissement): Do bản chất, con người luôn luôn đau khổ hoặc buồn chán... Giải trí để quên nghĩ đến mình, đến cái cơ cực của thân phận con người, tất cả các hoạt động của con người đều có ý nghĩ ấy.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-troi-van-hoa-hai-cuc-cua-tu-duy-phap-n172913.html